Tiếp vốn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

08:11, 04/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) đang được các ngân hàng hỗ trợ đặc biệt về tín dụng, cùng các dịch vụ đi kèm. Đây được đánh giá là động lực để DN tự tin khi vay vốn cho các đơn hàng trong những tháng cuối năm.

TIN LIÊN QUAN


Ưu đãi cho vay ngoại tệ                 

Thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ của ngân hàng đã giảm, đặc biệt, nhiều ngân hàng đang có những gói ưu đãi riêng dành cho DN XNK. Bà Phạm Thị Thúy Kiều – Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi cho biết: “Vietcombank luôn ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN XNK có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết tháng 9.2016, tổng doanh số thanh toán XNK tại Vietcombank Quảng Ngãi đạt 1,5 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, đơn vị cũng đảm bảo nguồn ngoại tệ và Việt Nam đồng để giảm tối thiểu chi phí tài chính và tăng khả năng cạnh tranh cho các DN XNK”.

BIDV đã giảm lãi suất cho vay xuống 1%/năm đối với nhóm lĩnh vực ưu tiên.                                    ẢNH: T.L
BIDV đã giảm lãi suất cho vay xuống 1%/năm đối với nhóm lĩnh vực ưu tiên. ẢNH: T.L


Tại Sacombank Quảng Ngãi, hiện nay có một số chương trình ưu đãi cho vay XNK đến hết năm 2016, với mức lãi suất từ 2 – 3%. Ông Lý Minh Cương – Giám đốc Sacombank Quảng Ngãi cho biết: “Việc đẩy mạnh cho vay ngoại tệ với lãi suất ưu đãi sẽ tạo điều kiện cho DN XNK có cơ hội cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài”.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, cho vay XNK là lĩnh vực cho vay ưu tiên, nên các ngân hàng dành nhiều ưu đãi với khách hàng như: Đáp ứng nhu cầu vốn; lãi suất thấp; giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng; đa dạng các sản phẩm dịch vụ. Để giảm thiểu rủi ro thanh toán cho khách hàng, hiện tại các ngân hàng đang đẩy mạnh liên kết với ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ bao thanh toán. Với dịch vụ này, dòng tiền của khách hàng được luân chuyển nhanh, giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn lưu động, ưu điểm lớn nhất là giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Cho vay bằng ngoại tệ và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngoại hối dường như không còn là mảng kinh doanh “độc quyền” của những Ngân hàng Thương mại Cổ phần nhà nước, mà nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, ABBank cũng đã triển khai nhiều sản phẩm hỗ trợ DN kinh doanh hàng XNK. Như Sacombank, bên cạnh ưu đãi lãi suất cho vay, còn có dịch vụ thanh toán quốc tế trực tuyến (eLC) dành cho khách hàng là DN XNK...

Cơ hội tiếp cận vốn cuối năm     
   
Đối với DN XNK, cuối năm là thời điểm “khát” vốn nhất cũng như những nhu cầu khác về tài chính. Ông Lê Tấn Kỳ - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Trường Thịnh cho biết: “Cuối năm là thời điểm để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nên thường có nhu cầu vốn cao. Do đó, nếu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay USD đối với các DN XNK sẽ là một sự hỗ trợ về mặt tài chính, để DN mạnh dạn nhận những đơn hàng XNK”.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Thuyên Nguyên cho rằng, việc tái cho vay ngoại tệ với lãi xuất thấp sẽ tạo điều kiện để DN trong nước cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, giúp DN giảm được các chi phí, góp phần thúc đẩy sản xuất”.

Trên thực tế, nhiều DN trước đây thường ngại vay ngoại tệ do tâm lý e ngại về rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm thay cho cơ chế tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây. Điều khác biệt quan trọng giữa hai cơ chế tỷ giá này là, trong cơ chế tỷ giá trước đây thì tỷ giá bình quân liên ngân hàng hầu như bất động trong nhiều tháng liền, bất chấp thị trường trồi sụt. Ngược lại, tỷ giá trung tâm thì linh hoạt, bám sát hơn biến động của thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và đưa lãi suất đồng USD về 0% của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu, tránh tình trạng đầu cơ, găm giữ USD với số lượng lớn. Như vậy, tỷ giá được điều chỉnh hàng ngày sát với thị trường ngoại hối tự do. Cơ chế này cho phép có thể điều chỉnh tỷ giá khi cần, hoặc bị bắt buộc mà không bị ràng buộc bởi các cam kết như không được phá giá quá 2%/năm như trước.
 

AN NHIÊN
 


.