Quốc hội duyệt tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng từ 1/7/2017

06:11, 12/11/2016
.

Với việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm tới, từ 1/7/2017, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả 1.900 tỷ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách trung ương phải chi khoảng 8.500 tỷ đồng để thực hiện chính sách này.

 

Kết quả biểu quyết Dự toán ngân sách Nhà nước 2017
Kết quả biểu quyết Dự toán ngân sách Nhà nước 2017



Dự chi 8.500 tỷ đồng để tăng lương

Chiều nay (11/11), với đa số phiếu tán thành (chiếm tỷ lệ 79,31%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017.

Theo đó, dự kiến trong năm 2017, tổng số thu cân đối NSNN là 1,21 triệu tỷ đồng và tổng số chi cân đối NSNN là 1,39 triệu tỷ đồng. Mức bội chi NSNN ở mức 178.300 tỷ đồng tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách trung ương là 172.300 tỷ đồng, tương đương 3,38%GDP và bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỷ đồng, tương đương 0,12%GDP.

Tổng mức vay của NSNN trong năm tới, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 340.157 tỷ đồng.

Như vậy, với việc Nghị quyết được thông qua, trong năm tới sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017.

Trước đó, theo ghi nhận tại báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người hưởng lương còn gặp khó khăn, vì vậy Chính phủ đề nghị tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.

Mặc dù mức tăng này chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu nhưng trong điều kiện ngân sách gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, với mức tăng như trên, ngoài việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tự bố trí sắp xếp cân đối nguồn, ngân sách trung ương phải chi khoảng 6.600 tỷ đồng. Nếu tính cả 1.900 tỷ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách trung ương phải chi khoảng 8.500 tỷ đồng.

"Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm hiện nay", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét và đã xin Quốc hội giữ phương án đề nghị của Chính phủ tại dự thảo Nghị quyết.
 

Việc dành nguồn tăng lương trong bối cảnh ngân sách khó khăn được đánh giá là nỗ lực lớn của Chính phủ để đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức
Việc dành nguồn tăng lương trong bối cảnh ngân sách khó khăn được đánh giá là nỗ lực lớn của Chính phủ để đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức


Mở rộng khoán xe công

Cũng theo nội dung nêu tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ kết hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.

Từ năm 2017, nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, phí đảm bảo hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được phản ánh trong thu cân đối ngân sách Nhà nước, sử dụng để duy tu bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải.

Cũng bắt đầu từ năm tới sẽ điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương. Từ năm 2018, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sẽ xác định lại cơ chế theo quy định của pháp luật.

Năm 2017, phát hành 50.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nghị quyết cũng nêu rõ, từ năm 2017, Chính phủ chỉ đạo các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí chi trả nợ lãi và nợ gốc theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước.
 

Theo Bích Diệp/Dân Trí

 


.