Khai thác trùn biển theo kiểu tận diệt: Khó ngăn chặn

07:11, 03/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, tại các xã ven biển của Đức Phổ xuất hiện nhiều người từ Bình Định đến khai thác trùn biển (hay còn gọi là sá sùng, địa long) theo kiểu tận diệt. Việc làm này không chỉ khiến nguồn tài nguyên của địa phương bị cạn kiệt, mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tại đây.

Đầm Nước Mặn của xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) không chỉ là nơi neo trú tàu thuyền của ngư dân mà còn là nơi có hệ sinh thái khá đa dạng với nhiều loài cá, ốc, nghêu, chem chép, trùn biển sinh sống. Vì vậy, trong vòng 5 năm trở lại đây, khi thương lái lùng mua trùn biển với giá cao (dao động từ 70 – 100 nghìn đồng/kg tươi), hàng loạt người săn trùn biển từ Bình Định bắt đầu đổ về đầm Nước Mặn để mưu sinh.

 

Chi hội CCB thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) tham gia quản lý, ngăn chặn nạn khai thác trùn biển theo kiểu tận diệt của một số
Chi hội CCB thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) tham gia quản lý, ngăn chặn nạn khai thác trùn biển theo kiểu tận diệt của một số "thợ săn".


Ông Trần Văn Bình, quê ở Tam Quan (Bình Định) cho biết, nhóm của ông tháng nào cũng chờ đến giữa tháng và cuối tháng, thời điểm thủy triều rút để ra Phổ Thạnh săn trùn biển. Nếu thuận lợi, thì mỗi người có thể bắt được gần 10 kg trùn tươi mỗi ngày. Trùn nhỏ dài tầm 20cm thì giá thấp hơn, còn trùn lớn dài từ 35-40cm thì giá cao, nhưng giờ, rất khó để tìm được trùn biển lớn.

Những người dân sống dọc theo hệ thống đê ở đồng muối Sa Huỳnh cho hay, đều đặn hằng tháng, khi thủy triều rút, cũng là lúc hàng loạt người từ Bình Định kéo về đầm Nước Mặn săn lùng trùn biển. Để bắt được loại sinh vật sống sâu dưới lớp bùn, người săn trùn phải dùng chiếc thuổng dài hơn 30cm để bắt nên “vô tình” tạo ra những hố sâu từ 0,3 – 0,4m dày đặc khắp đầm.

Và điều người dân lo lắng nhất là, việc người săn trùn đào những hố sâu ngay dưới chân đê đồng muối để khai thác, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình và ảnh hưởng đến rừng ngập mặn đang được trồng tại khu vực trên.

Trước thực tế phản ánh của người dân, ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: “Địa phương rất muốn ngăn chặn nạn khai thác trùn biển theo kiểu tận diệt để bảo vệ đa dạng sinh học cho đầm Nước Mặn. Song, do tỉnh chưa có quy định cấm người dân (nhất là ở ngoại tỉnh) tùy tiện khai thác nguồn lợi thủy sản trong vùng đầm phá của tỉnh, nên mặc dù biết vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên trùn biển là rất cấp thiết, nhưng địa phương không có căn cứ để quản lý, thực hiện”.

Trong khi chờ UBND tỉnh có quy định cụ thể về vấn đề này, UBND xã Phổ Thạnh đành tạm thời giao hai khu vực sinh sống của trùn biển ngay sát khu vực đê đồng muối Sa Huỳnh cho Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân Diêm quản lý, để ngăn chặn tình trạng khai thác liên tục theo kiểu tận diệt của các "thợ săn" trùn từ tỉnh bạn. Song, cũng theo ông Trinh, đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ không thể thực hiện lâu dài.

Không chỉ gặp khó khăn vì tỉnh chưa có quy định cụ thể, mà công tác quản lý khai thác trùn biển tại địa phương cũng gặp phải lúng túng, khi Thông tư 62 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thi hành Nghị định số 59 của Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản thì lại cho phép khai thác trùn biển đạt chiều dài từ 10cm trở lên.

TIN LIÊN QUAN


Còn Thông tư 01 của Bộ NN&PTNT về việc sửa đổi, bổ sung danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển thì trùn biển lại nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn. Và dù Nghị định 103 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định mức phạt từ 5 triệu - 40 triệu đồng với hành vi thu gom, mua bán, sơ chế với các loài trong danh mục kể trên, trong đó có trùn biển, nhưng việc thực hiện xử phạt cũng rất khó!

Bài, ảnh: Ý THU
 


.