Hưởng lợi từ phát triển công nghiệp

01:11, 24/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) trước đây quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống cũng chỉ tạm ổn. Nhưng, từ khi các dự án phát triển công nghiệp được triển khai trên địa bàn, đã giúp bà con có cuộc sống khấm khá hơn, xây được nhà cửa khang trang hơn nhờ nhận tiền đền bù của dự án và chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Chuyển đổi nghề nghiệp

Gia đình ông Nguyễn Đáo và vợ là Nguyễn Thị Hoa (thôn Thế Long, xã Tịnh Phong) trước kia có trên 1.000m2 đất sản xuất nông nghiệp, canh tác quanh năm, cuộc sống cũng không khá lên được, đặc biệt là sau khi ông Đáo bị tai nạn giao thông, cuộc sống gia đình càng khó khăn bội phần. Thế nhưng, sau khi dự án KCN VSIP Quảng Ngãi triển khai trên địa bàn xã, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Đáo đã được thu hồi, đền bù và chuyển đổi nghề nghiệp sang làm công việc khác.

Khu tái định cư thôn Thế Long, xã Tịnh Phong được đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thiện.
Khu tái định cư thôn Thế Long, xã Tịnh Phong được đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thiện.


Con gái đầu của ông sau khi học đại học sư phạm về không xin đi dạy học được đã được Công ty Giày Riches (KCN VSIP) nhận vào làm trợ lý, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Còn bà Nguyễn Thị Hoa (1967), mặc dù đã lớn tuổi, nhưng cũng được Công ty VSIP Quảng Ngãi nhận vào làm công nhân chăm sóc cây xanh, cảnh quan ở KCN VSIP. Cũng nhờ đó mà gia đình ông Đáo có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi 4 đứa con ăn học.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa (1956), ở thôn Thế Long, có khoảng 7.500m2 đất sản xuất nông nghiệp được dự án của VSIP đền bù hàng trăm triệu đồng, bà Hoa chuyển sang xây phòng trọ cho công nhân thuê, kiêm luôn việc nấu ăn, giặt giũ cho công nhân. Nhờ đó mỗi tháng bà Hoa có thu nhập trên 5 triệu đồng, số tiền mà nếu so với làm nông trước đây bà không bao giờ có được...
 

“Toàn xã có gần 2.000 lao động được giải quyết việc làm tại hai khu công nghiệp: Tịnh Phong và VSIP Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, có trên 700 hộ làm dịch vụ “ăn theo” sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp. Nhờ đó đời sống của người dân trên địa bàn xã có sự cải thiện đáng kể”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong Đào Thị Xuân Thủy.

Ông Nguyễn Cường – Trưởng thôn Thế Long (Tịnh Phong) cho biết, toàn thôn có 378 hộ dân sống ở hai khu dân cư. Mặc dù đất nông nghiệp giảm, từ 168ha trước đây nay chỉ còn 15,4ha (do nhường cho dự án KCN VSIP), nhưng nhiều hộ đã linh động chuyển đổi sang làm dịch vụ, buôn bán và làm công nhân trong các KCN, nhờ đó cuộc sống có sự cải thiện đáng kể. “Có khoảng 2/3 số lao động trong độ tuổi lao động ở đây (trên 100 người) được giải quyết việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp trong hai KCN Tịnh Phong và VSIP. Mặc dù thu nhập của công nhân không cao, chỉ tầm 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng, nhưng được cái là ổn định và ở gần nhà, đỡ tốn các chi phí”, ông Cường cho biết.

Vẫn còn nhiều trăn trở

“Điều trăn trở nhất đối với chúng tôi hiện nay là làm thế nào giải quyết việc làm cho những lao động ở độ tuổi từ 40-60, sau khi thu hồi hết đất sản xuất nông nghiệp. Bởi các nhà máy, xí nghiệp ở các khu CN “chê” họ lớn tuổi và trước đây học hành cũng không đến nơi đến chốn, tác phong làm việc không chuyên nghiệp, nên không nhận vào làm, kể cả xin làm bảo vệ cũng không được”, ông Nguyễn Cường cho hay.

Còn ông Nguyễn Thanh Phương, trưởng thôn Thế Lợi (xã Tịnh Phong) cho biết, cả thôn có 554 hộ dân, với trên 2.300 nhân khẩu, trong đó 90% làm nông. Năm 2012, khi triển khai dự án Khu CN VSIP, toàn thôn có 96ha đất được bàn giao cho dự án và có 28 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Về nơi ở mới có nhà cửa khang trang, ổn định hơn và bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là giải quyết việc làm cho người dân sau khi nhường đất cho dự án. Nhiều trường hợp con em của địa phương sau khi ra trường, cầm bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng đi xin việc tại các doanh nghiệp trong KCN VSIP vẫn không được.

“Ngoài ra, việc xây dựng khu dân cư tập trung tại thôn Thế Lợi, do huyện Sơn Tịnh làm chủ đầu tư cũng chưa đảm bảo về môi trường, bởi hệ thống nước thải sinh hoạt của KDC được xả trực tiếp ra ruộng sản xuất của dân, ảnh hưởng đến việc canh tác. Riêng mặt bằng nghĩa trang nhân dân thôn Thế Lợi, được xây dựng từ năm 2013 đến nay cũng chưa đảm bảo, có dấu hiệu xuống cấp; đồng thời dự án này cũng chưa xây dựng nhà quản trang và trồng cây xanh”, ông Nguyễn Thanh Phương kiến nghị.

Bài, ảnh: PHẠM DANH
 


.