Đồng hành với những chuyến vươn khơi

09:11, 23/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Khi ngư dân lênh đênh trên biển, cách duy nhất để liên lạc với người thân ở quê nhà chính là thông qua Đài Icom cộng đồng. Không chỉ vậy, những lúc biển động hay có hiểm nguy, tai nạn, ngư dân cũng nhờ vào Icom để thông báo và cầu cứu sự trợ giúp từ đất liền.

Những ngày trời trở gió, biển bắt đầu có sóng lớn, nhiều phụ nữ ở làng biển xã Bình Châu (Bình Sơn) thường xuyên lui tới Đài Icom cộng đồng hơn. Họ đến đó để nghe ngóng tin tức về người thân đang ở khơi xa thông qua chiếc Icom.
 
Sau hồi lắng nghe giọng nói thân thuộc của người chồng qua chiếc máy Icom vọng từng hồi ồ ồ, chị Trịnh Thị Thu ngụ ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu mới thở phào nhẹ nhõm. “Sóng lớn nên liên lạc bị đứt quãng, khó nghe hơn ngày thường. Nhưng vậy là yên tâm rồi, hai cha con cùng đi biển hết nên tôi ở nhà thấy biển động là lại lo chạy qua Đài canh nghe ngóng tình hình”- chị Thu chia sẻ trước khi tất tả đứng dậy ra về nhường cho những người khác đang chờ đến lượt liên lạc với người thân ngoài biển.

 

Đài Icom cộng đồng hoạt động để trở thành sợi dây liên lạc giữa ngư dân ngoài biển với đất liền
Đài Icom cộng đồng hoạt động để trở thành sợi dây liên lạc giữa ngư dân ngoài biển với đất liền
 
Hơn chục năm canh trực Đài Icom cộng đồng Bình Châu, ông Nguyễn Thanh Nam đã quá quen với những cảm giác đan xen của những người vợ, người mẹ  khi nhờ ông liên lạc với chồng, con của mình nơi khơi xa. “Có người mừng ra mặt vì nghe có bão ngoài biển nhưng tàu cá tìm được chỗ trú an toàn. Nhưng tui cũng từng chứng kiến cảnh hàng chục người buồn lo rồi khóc lóc, ăn ngủ không yên khi hay tin chồng, con mình gặp nạn trên biển”- ông Nam bộc bạch.
 
Còn với ông Bùi Văn Lượng- Trưởng Đài Icom cộng đồng Bình Chánh (Bình Sơn), những thông tin liên lạc với ngư dân từ chiếc Icom luôn để lại những ấn tượng khó phai. “Lúc ngư dân gặp nạn rồi báo về Đài canh, tui cũng hồi hộp không kém gì người nhà. Năm này qua năm khác mình làm công việc này là chỉ mong tàu nào bị nạn cũng đều được hỗ trợ, cứu giúp kịp thời”- ông Lượng chia sẻ.
 
Hiện Đài Icom cộng đồng Bình Chánh đang giữ liên lạc với hơn 80 tàu cá hoạt động trên biển. Tất cả các nguồn tin từ ngư dân, những thông tin quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo đều được ông Lượng ghi chép cẩn thận và báo lại với Bộ đội Biên phòng.
 
Là một trong hơn 800 ngư dân của xã Bình Chánh (Bình Sơn) đang tham gia hoạt động đánh bắt khơi xa trên biển, ngư dân Nguyễn Ngọc Trai- Thuyền trưởng tàu cá QNg 90156 đã nhiều lần nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của Đài Icom cộng đồng Bình Chánh.
 
“Mình đi khơi xa thì phải từ nửa tháng đến 2-3 tháng mới về bờ một lần. Nên lỡ có người đau ốm hay hết dầu thì chỉ cần gọi về Đài canh cộng đồng để nhờ họ chuyển thuốc, chuyển dầu ra để mình có thể an tâm đi khơi tiếp”- Ngư dân Trai cho biết về hiệu quả của việc giữ liên lạc thường xuyên với Đài Icom cộng đồng.

 

Trong những chuyến ra khơi, ngư dân yên tâm hơn khi có sự trợ giúp đắc lực từ các Đài Icom cộng đồng
Trong những chuyến ra khơi, ngư dân yên tâm hơn khi có sự trợ giúp đắc lực từ các Đài Icom cộng đồng
 
Hiện các xã ven biển, xã đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 30 Đài Icom cộng đồng thường xuyên liên lạc với ngư dân theo hình thức tổ, đội đoàn kết sản xuất. Từ đây, mọi thông tin của ngư dân ngoài khơi đều được thông báo về đất liền một cách nhanh chóng, kịp thời. Không chỉ vậy, Đài Icom cộng đồng còn hỗ trợ ngư dân trong công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, và tham gia đắc lực vào công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Mỗi năm, các Đài Icom cộng đồng hướng dẫn cho hàng trăm trường hợp tàu thuyền đang hành nghề bị hỏng máy khắc phục sự cố. Và kịp thời thông báo tình hình thời tiết để ngư dân chủ động tránh trú khi xảy ra gió bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời, kêu gọi ngư dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đối phó với tàu thuyền nước ngoài ngăn cản, tông va…
 
Những chuyến ra khơi của ngư dân không thể lường hết những gian nan ở phía trước. Nhưng phía sau những con tàu vươn khơi, luôn có sự hỗ trợ đắc lực từ Đài Icom cộng đồng, để ngư dân có thể yên tâm đánh bắt hải sản, trở thành những cột mốc sống trên Biển Đông.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.