Dịch bệnh động vật mùa mưa bão: Không chủ quan

02:11, 10/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giao mùa, cộng với những biến đổi của thời tiết khiến dịch bệnh ở gia súc gia cầm (GSGC) gia tăng và có nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng...

TIN LIÊN QUAN

Tăng cường phòng bệnh

Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung tái đàn GSGC, nhất là gà, vịt và heo để kịp phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu 2017. Vì vậy, ngành chuyên môn và người dân quan tâm thực hiện việc kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh GSGC. “Sau khi đàn vịt bị mắc bệnh cúm, tôi chú ý hơn đến chất lượng và nguồn gốc con giống. Còn việc tiêm phòng vắcxin thì buộc phải làm”, ông Lê Ngọc Điền, thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cho biết.

Đầu năm 2016, ông Điền có hơn 700 con vịt, trọng lượng bình quân 1,5kg/con bị nhiễm virút cúm A/H5N1, buộc phải tiêu hủy. Điều đáng nói là, ông Điền nuôi số vịt này để bán dịp Tết Bính Thân 2016, nên chưa tiêm phòng vắcxin cúm. Đã thế, ông Điền cũng không có giấy kiểm dịch, nguồn gốc con giống vì mua qua bạn hàng!

 

Tiêu độc khử trùng chuồng trại là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh.
Tiêu độc khử trùng chuồng trại là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh.


Trong khi đó, người chăn nuôi heo thời gian qua cũng thấp thỏm vì dịch tả heo bùng phát. Chỉ trong tháng 10.2016, đã có 22 con heo bị mắc bệnh, phải tiêu hủy. Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thì, với diễn biến thời tiết như hiện nay, dịch tả heo có nguy cơ lây lan ra diện rộng, nếu người chăn nuôi không thực hiện những biện pháp phòng bệnh.

“Bên cạnh việc tiêm phòng vắcxin đầy đủ, đảm bảo thức ăn và giữ vệ sinh chuồng nuôi, thì khi heo có biểu hiện bỏ ăn, sốt, người dân không được tự ý chữa trị hoặc bán, mà phải báo với cán bộ thú y địa phương để có biện pháp xử lý, tránh lây lan dịch bệnh”, ông Thuận khuyến cáo.

Mới đây, 13 con heo và 2 con bò của ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) bị nhiễm bệnh lở mồm long móng (LMLM). Sau khi chữa trị hết bệnh cho vật nuôi, ông Hải đã tiến hành tiêm vắcxin và thực hiện tốt việc chăm sóc cũng như vệ sinh chuồng trại cho heo, bò.

“Cũng do mình lơ là, chủ quan nên heo, bò mới mắc bệnh. Với lại mầm bệnh cũng lây lan từ gia súc mua ở nơi khác về mà chưa được kiểm tra. Nhưng bây giờ tôi cũng đã rút ra được kinh nghiệm để phòng ngừa bệnh cho bò, heo rồi”, ông Hải cho biết.

Cần mở rộng đối tượng tiêm phòng

Trong khi thủy cầm ngày càng nhận nhiều sự quan tâm của ngành chuyên môn, chính quyền và người dân thì con gà lại bị... bỏ rơi, do không thuộc đối tượng được hỗ trợ tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm. Ông Nguyễn Văn Thuận cho rằng, gà là đối tượng mẫn cảm với thời tiết cũng như dịch bệnh, nhưng vì nó không phải là đối tượng mang trùng (mầm bệnh). Hơn nữa, số lượng đàn gà quá lớn nên Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương không tiêm phòng vắcxin cho gà, mà tập trung cho thủy cầm là đối tượng mang trùng nhằm ngăn chặn dịch.

Tuy nhiên, vì “trắng” tiêm phòng vắcxin nên những năm gần đây, các ổ dịch cúm gà xảy ra ngày càng nhiều và gây thiệt hại rất lớn. Trong 9 tháng năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 ổ dịch cúm, với hơn 35 nghìn con gia cầm bị chết, tiêu hủy. Trong số này có đến 8 ổ dịch cúm gà với gần 30 nghìn con bị chết, tiêu hủy.

Vì chăn nuôi quy mô lớn, nên ngoài việc giữ vệ sinh và thường xuyên tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại, ông Diễm vẫn thường mua vắc xin về tiêm phòng cho gà. Tuy nhiên, khi đàn gà đạt trọng lượng 1 - 2kg thì 300 con bỏ ăn rồi chết. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, đàn gà nhà ông Diễm bị nhiễm cúm A/H5N1 và phải tiêu hủy 10 nghìn con, thiệt hại hơn nửa tỷ đồng. “Cứ ngỡ đã tiêm phòng vắcxin cúm là yên tâm. Ai ngờ...”, ông Diễm bỏ lửng câu nói.  

Trước thực trạng này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã sử dụng phần vắcxin thừa để tiêm phòng bao vây cho những đàn gà ở xung quanh vùng dịch, vùng có nguy cơ cao của các hộ nuôi gà thả đồi. Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, ông Thuận cho biết sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT bổ sung gà vào nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng  vắcxin cúm gia cầm. Ngoài ra, Chi cục cũng sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắcxin cho gà vào năm 2017 nhằm hạn chế thiệt hại do cúm gia cầm gây ra.

Bài, ảnh: M.HOA-Đ.DIỆU

 


.