Bảo quản hải sản bằng công nghệ PU: Nhiều lợi ích cho ngư dân

02:11, 10/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hầm bảo quản hải sản thủ công vừa không đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, việc chuyển đổi và ứng dụng công nghệ PU trong quá trình làm hầm bảo quản sẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất và yên tâm bám biển.    

Lợi kép

Sau ba năm sử dụng hầm bảo quản cá bọc i-nox và phun PU (Polyurethane) bao quanh, ngư dân Nguyễn Văn Hiền, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) khẳng định: “Kiểu hầm bảo quản mới này giảm rất nhiều chi phí, mà chất lượng hải sản lại tăng, nên giá bán cũng khá hơn”.

 

Hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ PU thông thoáng, sạch sẽ.
Hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ PU thông thoáng, sạch sẽ.

Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, con tàu có công suất 410CV của ông Hiền thường mang theo 20 tấn đá xay để bảo quản hải sản. Nhưng vì hầm bảo quản được làm sơ sài từ các tấm xốp mút ghép lại với nhau nên nó chỉ “giữ” được đá trong 7 - 10 ngày. Hơn nữa, nước đá trong hầm bảo quản thủ công chỉ sử dụng được 60 - 70%, nên chất lượng hải sản cũng không đồng đều.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, khi ứng dụng công nghệ PU làm hầm bảo quản, ông Hiền không những giảm được 5 tấn đá xay, mà còn yên tâm với chất lượng hải sản. “Lượng nước đá được sử dụng gần như hoàn toàn, nên hải sản đảm bảo độ tươi và đồng đều. Nếu tàu về trễ 1 - 2 ngày cũng không ảnh hưởng đến chất lượng hải sản”, ông Hiền cho hay.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Thành Khâm, xã Tịnh Kỳ cũng rất hài lòng với hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU. Năm 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Khâm đầu tư một hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Sau hai năm sử dụng, ông Khâm khẳng định: Hầm bảo quản PU không những giúp ngư dân giảm được hơn 15% chi phí, mà lợi nhuận còn tăng 20 - 30% so với trước”.

Cần nhân rộng

Từ thành công của chiếc tàu đầu tiên, trong hai năm 2014 - 2015, ngư dân Nguyễn Văn Hiền tiếp tục đầu tư hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU trên hai chiếc tàu còn lại, với tổng chí phí hơn 400 triệu đồng. “Hầm PU bảo quản đá tốt, nên tàu không phải bỏ dở phiên biển để quay về như trước. Ngoài ra, việc bọc i-nox bên ngoài lớp PU giúp khoang hầm sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh"- ông Hiền chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ ứng dụng công nghệ PU làm hầm bảo quản hải sản. Tuy nhiên, con số trên vẫn còn khá nhỏ so với hàng nghìn chiếc tàu đánh bắt xa bờ được nâng cấp, đóng mới trong 3 năm 2014 - 2016.

Nguyên nhân, ngoài chi phí đầu tư cao (hơn 100 triệu đồng) thì ngư dân vẫn còn băn khoăn về khả năng giữ lạnh của hầm PU có bọc i-nox bên ngoài. Ngư dân Phạm Ân, xã Tịnh Kỳ cho rằng, nếu bọc i-nox bên ngoài, về lâu dài, nước đá bốc hơi sẽ chảy ngược trở lại hầm khiến đá tan nhanh hơn, chất lượng hải sản cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trước những lo lắng trên, bà Phan Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng Kỹ thuật ngư nghiệp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) khẳng định, hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU được trang bị đồng bộ cảm biến đo nhiệt độ hầm bảo quản, nên ngư dân chủ động kiểm soát được nhiệt độ, giúp chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Ngoài ra, PU và i-nox là vật liệu chống thấm, giúp tàu hạn chế được tình trạng phá nước. Lớp i-nox bọc bên ngoài cũng giúp bề mặt hầm thông thoáng, ngư dân dễ vệ sinh và đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Đối với vấn đề giá thành, bà Hà cho rằng, nhà nước, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đầu tư chuyển đổi và ứng dụng công nghệ PU làm hầm bảo quản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao lợi nhuận để yên tâm bám biển dài ngày.      
   

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.