Bán nước mắm truyền thống trên Facebook

04:11, 05/11/2016
.
 

(Baoquangngai.vn)- Thời gian gần đây, nước mắm truyền thống đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tận dụng cơ hội, nhiều  người đang tìm cách tiêu thụ nước mắm truyền thống bằng cách đưa sản phẩm này lên… Facebook.
 
Giảng viên, cử nhân… bán mắm
 
Hiện nay, trên Facebook xuất hiện một số trang bán nước mắm truyền thống Quảng Ngãi như: “Nước mắm Cá cơm Sa Kỳ”,  “Nước mắm Cá cơm Má 2 Quảng Ngãi 100% Nguyên chất”, “Nước mắm truyền thống Đức Lợi-Quảng Ngãi tại TP. HCM”.  
 
Trang Facebook
Trang Facebook "Nước mắm Cá cơm Sa Kỳ". Ảnh chụp màn hình.
 
Các trang này quảng cáo nước mắm được sản xuất ở các địa phương có truyền thống nghề biển ở tỉnh ta, thường phản hồi rất nhanh yêu cầu của khách hàng. Với phương thức bán hàng trên mạng, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu dựa vào uy tín của trang. Sau khi khách hàng chuyển tiền, nước mắm sẽ được chuyển đến tận nhà người mua.
 
Nếu như trước đây, nước mắm truyền thống được các tiểu thương bán ở các cửa hàng tạp hóa, hoặc khệ nệ chở đi bán đến tận từng nhà, thì các “tiểu thương” bán nước mắm trên mạng là những người trẻ có học thức. Họ chọn bán sản phẩm này như một cách kiếm thêm thu nhập cho bản thân và giữ gìn nghề truyền thống của quê hương.
 
Chủ trang Facebook “Nước mắm Cá cơm Sa Kỳ” là chị Huỳnh Thị Hải Yến (SN 1986),  tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành hóa vô cơ Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, hiện đang là giảng viên của Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh
 
“Lớn lên ở vùng biển Tịnh Kỳ, nước mắm là cái gì đó rất tự nhiên gần gũi. Thời còn đi học, má hay gửi nước mắm vào, hương vị mắm trở thành cái gì đó rất đối thân quen. Rồi khi đi dạy, mình hay tặng nước mắm cho đồng nghiệp, ai cũng khen ngon. Nước mắm trở thành món quà quê ai cũng quý”, chị Yến chia sẻ.
 
Ban đầu, chị Yến bán mắm từ “đơn đặt hàng” của người quen. Rồi khi đưa hình ảnh nước mắm mẹ làm trên Facebook cá nhân thì các đơn đặt hàng ngày một nhiều. Một thời gian sau, chị mở thêm trang Facebook bán hàng. Khi trang bán hàng mỗi ngày một nhiều “like” thì vại nước mắm của mẹ chị ở quê cũng phải nhiều thêm để đưa vào thành phố bán cho khách hàng.
 
Còn Phạm Thị Thảo (SN 1989), chủ trang Facebook “Nước mắm Cá cơm Má 2 Quảng Ngãi 100% Nguyên chất” là cử nhân ngành Quảng cáo, Marketing. Sau một thời gian làm việc cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, Thảo cùng những người bạn của mình bắt tay vào dự án khởi nghiệp với thực phẩm sạch, thực phẩm thực dưỡng, thực phẩm truyền thống.
 
Nước mắm là sản phẩm truyền thống ở quê hương Thảo, vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn. Nhưng theo nhận định của cô, nghề làm nước mắm ở đây cũng như nhiều địa phương khác, đều là sản xuất nhỏ lẻ. Những năm nay, thị phần bị thu hẹp do nước mắm công nghiệp lấn lướt. Với dự án của mình, Thảo kì vọng sẽ tìm được hướng đi cho nước mắm truyền thống ở quê nhà.
 
Hiện các trang bán hàng này đang nhận những phản hồi tích cực của khách hàng do quy trình sản xuất mắm hoàn toàn thủ công, không có hóa chất bảo quản. Hình ảnh, video trong quy trình sản xuất nước mắm được đưa lên mạng để khách hàng được "tai nghe, mắt thấy", tăng độ khả tín với người mua.
 
Triển vọng thị trường
 
Theo số liệu của hãng khảo sát Euromonitor, quy mô thị trường nước mắm Việt Nam năm 2015 lên đến 11.300 tỉ đồng, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 76%, nước mắm truyền thống chỉ đạt 24% thị phần.  
 
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, do đời sống người dân được cải thiện, vấn đề an toàn thực phẩm được chú trọng, nên tốc độ tăng trưởng của nước mắm truyền thống đang cao hơn nước mắm công nghiệp, lần lượt là 16% và 12%.
 
Cơn bão truyền thông nước mắm là một dịp để nhìn nhận lại tương quan giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, làm chuyển biến nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.
 
Mới đây, chị Huỳnh Thị Hải Yến thông báo tin vui trên Facebook: Khi gọi điện về gia đình thông báo lượng mắm lưu trữ ở TP. Hồ Chí Minh đã tiêu thụ hết, thì mẹ chị ở quê cũng vui mừng khoe, vừa có người ở Hà Nội tìm hiểu qua Facebook rồi đến tận nhà mua 30 lít mắm. 
 
Mắm truyền thống làm theo phương pháp thủ công đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Mắm truyền thống làm theo phương pháp thủ công đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
 
Đây là những tín hiệu cho thấy nước mắm truyền thống đang dần lấy lại vị thế. Nhưng bên cạnh đó, nước mắm truyền thống vẫn gặp nhiều bất lợi do sản xuất nhỏ lẻ, giá thành cao. Về phía người sản xuất, làm nước mắm truyền thống không thu được lợi nhuận cao, dẫn đến các làng nghề truyền thông mai một. Các nhà sản xuất nước mắm chưa đẩy mạnh truyền thông để các sản phẩm chất lượng, uy tín đến được với khách hàng.
 
Để bức tranh nghề nước mắm truyền thống sáng sủa hơn, những “tiểu thương” bán hàng trên mạng như chị Yến, chị Thảo đang nỗ lực tìm đầu ra bằng những cách làm mới. Tuy còn đang ở bước “dò đường”, quy mô nhỏ lẻ, nhưng đó là  tiền đề để ấp ủ kế hoạch cho những khát vọng lớn hơn.
 
 

Phạm Linh


.