Xây dựng nông thôn mới: Đừng để bình mới, rượu cũ

02:10, 11/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy đạt những kết quả nhất định, nhưng kết thúc giai đoạn 2010-2015, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã bộc lộ những tồn tại và bất cập, chưa phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn của từng địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Thu nhập kém bền vững

Giai đoạn 2011-2015, Quảng Ngãi có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 78,5% kế hoạch. So với các địa phương lân cận như tỉnh Bình Định có 28 xã đạt NTM, Quảng Nam có 58 xã và 2 đơn vị cấp huyện đạt NTM thì kết quả xây dựng NTM của Quảng Ngãi khá khiêm tốn. Điều đáng ngại là quá trình xây dựng NTM của Quảng Ngãi bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thể hiện sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo của các xã đạt chuẩn NTM phải còn dưới 5%. Do đó, xã Phổ Hòa (Đức Phổ) - một trong 15 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2016 cũng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9% xuống dưới 5%. Tuy nhiên, trong lúc chính quyền và nhân dân xã Phổ Hòa nỗ lực giảm nghèo, thì UBND huyện Đức Phổ lại “bổ sung” cho địa phương gần 20 hộ nghèo!

Việc “bổ sung hộ nghèo” này được lý giải là vì thực thi chính sách bổ sung hộ nghèo mới! “Sự chồng chéo này khiến chính quyền địa phương loay hoay không biết phải thực hiện giải pháp giảm nghèo như thế nào”, ông Nguyễn Văn Nho - Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa bày tỏ.  

Đối với tiêu chí số 10 về thu nhập của người dân nông thôn, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều bất cập. Có lẽ vì áp lực hoàn thành tiêu chí NTM mà ở một số địa phương, kết quả thống kê thu nhập bình quân của người dân rất cao, trong khi cơ cấu sản xuất thực tế lại phản ánh điều ngược lại.

“Nhiều xã không hình thành và xây dựng được ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng lao động làm ăn xa nên thiếu tính bền vững, rất khó để đạt và duy trì 23-24 triệu đồng/người/ năm”, ông Lê Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhìn nhận.

Thực trạng này, theo ông Nguyễn Cao Phúc, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, lẽ ra quá trình xây dựng NTM cần gắn với đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân, chứ không phải chỉ tập trung vào việc “xây nhà (văn hóa), làm đường”.

“Xây dựng giao thông, nhà văn hóa... là cần thiết, nhưng không phải là trọng tâm. Trọng tâm của NTM là nâng cao chất lượng đời sống người dân thông qua phương thức sản xuất và thu nhập bền vững”, ông Phúc nói.
 
Loay hoay xử lý môi trường

Ở các địa phương, tiêu chí môi trường đã được quan tâm và có nhiều khởi sắc, dù quy trình xử lý chỉ thực hiện ở công đoạn thu gom, chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, vấn đề bất cập ở một số địa phương là lựa chọn địa điểm tập trung và xử lý rác thải chưa đảm bảo. Có nơi đặt bãi rác cạnh nghĩa trang, nơi khác lại gần khu dân cư, khiến người dân bức xúc. Điều này, theo ông Nguyễn Quốc Tân - Phó Giám đốc Sở TN&MT: “Chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường, nên chỉ làm để đối phó với tiêu chí.

Trái với thực trạng trên, Đội thu gom vận chuyển và xử lý rác thải xã Đức Phong (Mộ Đức) lại có nguy cơ dừng hoạt động vào cuối năm 2016 vì “thu không đủ chi”. Tình trạng này, theo ông Trương Minh, Đội trưởng Đội thu gom vận chuyển và xử lý rác thải Đức Phong là do “có bất cập trong việc tổ chức, quản lý thu - chi phí môi trường”.

Bởi, người dân và các khu dân cư xã Đức Phong báo cáo việc nộp phí môi trường đạt từ 90-100%, trong khi kết quả thống kê của xã Đức Phong là chưa đến 60%. Vì vậy, doanh thu mỗi tháng của Đội thu gom rác chỉ đạt 28 triệu đồng, ông Minh phải bù lỗ hơn 6 triệu đồng.

Với những bất cập, khiếm khuyết đã bộc lộ, người dân mong mỏi ngành chức năng sẽ có các giải pháp, đảm bảo quá trình xây dựng NTM được thực chất để không phải rơi vào cảnh “bình mới, rượu cũ”.

 

MỸ HOA
 


.