Sơn Tây: Cau được giá vẫn lo

03:10, 23/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Với giá thu mua cau cao nhất từ trước đến nay, hàng ngàn hộ dân ở huyện miền núi Sơn Tây rất phấn khởi. Tuy nhiên giá thu mua cau luôn thất thường, đầu ra không ổn định, cùng với nạn trộm cau là nỗi lo không chỉ của người dân mà cả chính quyền địa phương. 
 
Phấn khởi vì giá cao
 
Về vùng núi Sơn Tây, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những rừng cau xanh thẳm, bạt ngàn trải dài theo các sườn núi khiến cho phong cảnh xứ sở ngàn cau thêm thơ mộng, hữu tình. Những ngày này, thương lái từ khắp nơi kéo về đây để thu mua cau làm cho không khí nơi đây khá nhộn nhịp. 
 
Năm nay, người dân miền núi Sơn Tây ai cũng vui mừng vì cau được giá. Cau tươi được  thương lái mua tại vườn với giá từ 19.000 -20.000/kg, cao nhất từ trước đến nay. Giá thu mua cau cao giúp cho các gia đình có nguồn thu nhập khá, bởi ở vùng núi này gia đình nào cũng có một vườn cau, nhiều thì dăm bảy hécta, ít thì cũng được một hai hécta. 

 

Những vườn cau bạt ngàn ở huyện miền núi Sơn Tây
Những vườn cau bạt ngàn ở huyện miền núi Sơn Tây
 
Ông Đinh Văn Hanh, xã Sơn Tinh là một trong những gia đình có diện tích cau lớn ở Sơn Tây. Hiện gia đình ông trồng tới 5ha cau, chính vì vậy cau là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ 70-80 triệu đồng, đó là giá cau thấp. Còn với giá cau như hiện nay thì với 5ha cau, gia đình ông thu không dưới 200 triệu đồng. “Năm nay giá cau cao bà con mình ai cũng phấn khởi. Cau được giá lại được họ tới tận vườn mua. Mua xong có tiền luôn. Nếu cau được giá thế này hoài thì bà con minh ai cũng không lo khổ nữa”- Ông Hanh phấn khởi nói.
 
Cũng như ông Đinh Văn Hanh, gia đình ông Đinh Văn Đuối, xã Sơn Dung cũng là một trong những hộ có nhiều diện tích trồng cau ở Sơn Tây. Với giá cao như hiện nay thì vụ cau năm nay, gia đình ông cũng thu không dưới 100 triệu đồng. Ông Đuối cho biết, với giá thu mua tại vườn gần 20.000đ/kg (tương đương gần 100 ngàn đồng/buồng), thì mỗi hécta cho thu cũng gần 40 triệu đồng. Với giá cau cao như hiện nay thì Tết năm nay bà con mình không phải lo thiếu đói nữa.
 
Thu hái cau
Thu hái cau

 

Và nhiều nỗi lo

Theo thống kê, hiện tại toàn huyện Sơn Tây có 1.100ha, trong đó diện tích cau cho thu hoạch khoảng trên 700ha với sản lượng gần 9.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Dung và Sơn Mùa. So với cách đây 3 năm thì diện tích cau ở Sơn Tây giảm gần 300ha, nguyên nhân là thời điểm đó, giá cau xuống thấp lại không có người mua nên nhiều hộ dân đã chặt bỏ để trồng các loại cây trồng khác.
 
Chính vì vậy, cái lo lớn nhất hiện nay của người dân xứ ngàn cau đó chính là giá thu mua và đầu ra của sản phẩm. Bởi những năm qua, tiêu thụ cau phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nên giá cau rất bấp bênh. Lúc thì lên cao, lúc thì xuống thấp, thậm chí có lúc cau không có người mua. Người dân bán cau không được đã đành, còn thương lái thì có không ít người phải “khóc dở mếu dở” vì trót mua cau dự trữ, sau đó thì phải mang đi đổ, vì tiêu thụ không được khiến thua lỗ hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng.
 
Theo thống kê, có thời điểm chỉ ở huyện Sơn Tây ngoài hàng trăm điểm thu mua cau thì có tới 40 lò sấy cau lớn nhỏ có mặt hầu hết cả các xã trong huyện. Vào mùa chính vụ, các lò này hoạt động gần như ngày đêm để sấy cau kịp vận chuyển đi thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện số lượng các lò cũng đã giảm đi rất nhiều do có thời điểm giá cau xuống thấp, người thu mua cau thua lỗ nặng.
 
Bên cạnh giá cau bấp bênh không ổn định thì tình trạng trộm cắp cau vẫn diễn ra, khiến không ít hộ trồng cau lo lắng. Để đối phó, nhiều hộ dân đã dùng rất nhiều cách như cài bẫy, dán bùa... để ngăn trộm cau.
 
Ông Đinh Văn Hiu, ở xã Sơn Dung cho biết, gia đình ông có 2ha cau. Mới đây, lợi dụng đêm tối trộm đã lẻn vào vườn cau của gia đình hái trộm hơn 30 buồng. Nếu tính giá trị lúc đó thì mất gần 2,5 triệu đồng. Không còn cách nào khác, gia đình ông đành phải làm chòi gần rừng cau để canh giữ, ngoài ra còn rào chắn xung quanh vườn cau, thậm chí phải dán bùa trên thân để dọa trộm... 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tùng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, cau là cây trồng truyền thống đặc trưng và là xây xóa đói giảm nghèo của người dân huyện miền núi Sơn Tây. Tuy nhiên, giá cau thời gian qua luôn bấp bênh bởi đầu ra phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc. Khi giá cao thì người dân trồng, chăm sóc kỹ lưỡng, đến thì giá thấp lạ bỏ không chăm sóc dẫn đến năng suất vụ sau thấp, thập chí không ít hộ hoặc chặt bỏ cây cau. Đây là một thực tế và cũng là cái lo của chính quyền địa phương.
 
 
Một điểm thu mua cau ở Sơn Tây
Một điểm thu mua cau và sấy cau ở Sơn Tây.
 
 
Chính vì vậy, huyện luôn chỉ đạo cho ngành chuyên môn như ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân giữ ổn định và chăm sóc tốt diện tích cau hiện có, ngoài ra khuyến khích và hướng dẫn người dân phát triển một số loại cây, con khác có lại giá trị kinh tế cao nhằm đa dạng hóa các loại cây, con... đáp ứng thị trường cũng như tạo thu nhập cho người dân chứ không phụ thuộc quá nhiều từ cây cau.
 
Về lâu dài, huyện cũng đang tiến hành thành lập một mô hình hợp tác xã kiểu mới, đây là mô hình có thể là rất khác với các mô hình hợp tác xã khác. Khi hợp tác xã này đi nào hoạt động thì có lẽ đời sống của người dân sẽ cải thiện đáng kể, bởi sản phẩm làm ra sẽ được hợp tác xã thu mua và tiêu thụ cho người dân...
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.