Hồi sinh cây chè Minh Long

04:10, 03/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, chè Minh Long đã được nhiều người biết đến với hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên, để loại cây trồng bản địa truyền thống này trở thành cây kinh tế trọng điểm theo hướng hàng hóa, huyện Minh Long đã xây dựng dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long”.

TIN LIÊN QUAN

Khôi phục diện tích trồng chè

Cây chè xanh Minh Long là cây truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê, lâu nay vẫn được coi là cây chè sạch do người sản xuất không dùng phân bón và thuốc trừ sâu, nên đã trở thành thương hiệu được thị trường ưa chuộng.

Thế nhưng, do cơ chế kinh tế thị trường, cũng như việc trồng chè chỉ mang tính tự phát, nên thời gian qua, giá trị kinh tế từ cây chè mang lại thấp, chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có của nó. Điều đó được thể hiện qua diện tích trồng chè đã giảm đi đáng kể.

Cụ thể, năm 2005, toàn huyện Minh Long có 150ha chè, nhưng sau 10 năm, diện tích này đã giảm xuống còn 95ha. Nguyên nhân là do người dân chặt phá, nhường chỗ cho cây keo và các loại cây trồng khác.

 

Chè Minh Long được xác định là cây kinh tế trọng điểm của huyện.
Chè Minh Long được xác định là cây kinh tế trọng điểm của huyện.


Để nâng cao giá trị cây chè, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, huyện Minh Long đã chú trọng đến việc cải tạo, phục hồi và trồng mới cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tìm hướng đi bền vững cho cây chè Minh Long. Hiện nay, huyện Minh Long có 92ha đất trồng chè phục hồi và 3ha trồng mới. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã Long Hiệp, Long Mai, Thanh An.

Hiện giá chè xanh thu mua tại chỗ 6.000 đồng/bó (khoảng nửa ký) đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân vùng cao Minh Long. Ông Đinh Ré (73 tuổi) ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp là một trong những người còn giữ lại diện tích chè lớn ở Minh Long cho biết: “Trước kia, hái cả trăm bó chè, mang ra chợ ngồi bán chẳng được là bao.

Thấy vậy, nên nhiều hộ xung quanh đã phá chè trồng keo, nhưng gia đình tôi vẫn kiên quyết giữ lại 1,5ha chè. Vui hơn là gần đây, giá chè tăng, chỉ cần mỗi ngày lên rẫy hái chè tôi đã có thu nhập từ 100 nghìn đến hơn 200 nghìn đồng. Thương lái cũng tìm đến tận nơi thu mua, hái không đủ bán, nên con cháu trong nhà đang đầu tư để trồng thêm cây chè”.

Ông Trần Văn Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hiệp cho biết, toàn xã hiện có 41ha trồng chè. Để phát triển diện tích trồng chè, xã đã đăng ký sẽ trồng mới 5ha, cải tạo 5ha. Đồng thời đề xuất thành lập hợp tác xã để các hộ trồng chè đăng ký tham gia, học tập kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc, bảo đảm đầu ra ổn định.

Việc thu hoạch, vận chuyển chè tươi Minh Long của người dân hiện nay chỉ làm thủ công, ảnh hưởng đến chất lượng và màu sắc lá chè. Do đó, nếu đi vào dự án thì chè sau khi thu mua, đưa về nhà máy sơ chế, chọn lựa cành và lá đạt chất lượng sẽ được đóng gói trong bao bì có nhãn hiệu đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm sẽ được chuyên chở trong xe đông lạnh 1,5 tấn để đưa đến nơi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Thịnh- Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Minh Long

Xây dựng phát triển nhãn hiệu

Hiện nay, nhu cầu sử dụng lá chè xanh ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ rộng, kéo theo giá chè tăng... Đây chính là niềm vui và động lực để người trồng chè ở Minh Long an tâm phát triển cây chè. Hơn nữa, chè là cây lâu năm, thời gian thu hoạch dài, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao Minh Long.

Về phía chính quyền địa phương cũng đã xác định, cây chè là cây trọng điểm của huyện nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong huyện, nên đặc biệt quan tâm. Hiện, UBND huyện Minh Long đã hoàn tất thủ tục nhãn hiệu chứng nhận chè Minh Long tại Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm quyết tâm khôi phục, phát triển và đưa sản phẩm chè Minh Long thành nhãn hiệu chè có tiếng trên thị trường.

Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Minh Long đã xây dựng Dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu chè Minh Long. Mục tiêu của dự án là nhằm thiết lập cơ chế và xây dựng mô hình quản lý, điều hành và khai thác nhãn hiệu chè Minh Long theo đúng quy trình kỹ thuật.

Ông Nguyễn Đức Thịnh – Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: “Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong vòng 36 tháng với 20ha. Trong đó, cải tạo 10ha, trồng mới 10ha. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, Sở KH&CN cho rằng cần thực hiện trồng mới theo hướng mô hình điểm và nhân rộng chứ không cải tạo.

Vì vậy, đợi khi có quyết định chính thức, huyện sẽ tiến hành thực hiện ngay. Việc trồng, chăm sóc, khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm và phát triển thị trường sẽ được thực hiện theo chuỗi. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở kiểm soát chất lượng sản phẩm”.

Với lợi thế điều kiện tự nhiên thuận lợi và giống chè quý của địa phương, cây chè nếu được đầu tư đúng mức, bài bản, đầu ra ổn định... sẽ thực sự trở thành cây thoát nghèo của người dân. Đặc biệt, Dự án thành công sẽ góp phần phát triển vùng chuyên canh cây bản địa gắn với phát triển du lịch sinh thái, giúp liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh bảo vệ cây trồng đặc sản của huyện.

Bài, ảnh: H.HOA – B.HÒA


 


.