Hàng hóa Quảng Ngãi lên Tây Nguyên

08:10, 22/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tây Nguyên là vùng đất có đông người Quảng Ngãi sinh sống. Đó là lợi thế đặc biệt để đưa hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) Quảng Ngãi sản xuất lên với vùng đất giàu tiềm năng này.

TIN LIÊN QUAN

Từ "kênh" đồng hương

Hiện tại, nhiều DN Quảng Ngãi xem Tây Nguyên là thị trường lớn, chỉ đứng sau thị trường nội tỉnh, đặc biệt là Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, bởi đây cũng là vùng nguyên liệu lớn của công ty. Vì thế, việc mở đại lý, xây dựng mạng lưới bán hàng của các DN ở Tây Nguyên ngày càng nhiều, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nhân viên thị trường Nhà máy nước khoáng Thạch Bích giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Tây Nguyên.
Nhân viên thị trường Nhà máy nước khoáng Thạch Bích giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Tây Nguyên.


Nhà máy nước khoáng Thạch Bích đã xây dựng chiến lược đầu tư, cung ứng hơn 20 sản phẩm nước tinh khiết và nước giải khát có nguồn gốc từ nước khoáng thiên nhiên lên Tây Nguyên. Trong đó, về nước giải khát, tại Gia Lai sản phẩm Thạch Bích chiếm 85% thị phần, Kon Tum 75%, Đăk Lăk 70%, Đăk Nông 50% .

Hầu hết các điểm tạp hóa, chợ đều có sản phẩm Thạch Bích. Ông Hồ Văn Vân - Giám đốc Nhà máy nước khoáng Thạch Bích cho biết: "Tây Nguyên là thị trường còn nhiều tiềm năng. Vì thế, nhà máy sẽ tiếp tục có giải pháp đầu tư cho thị trường này, với nhiều chính sách thiết thực đến tận tay người tiêu dùng".

Nhà máy Bia Dung Quất cũng thực hiện chiến lược kinh doanh này khá triệt để. Nơi nào có đông người Quảng Ngãi sinh sống là nơi đó có đại lý... bia Dung Quất. Cứ đến thời điểm kết thúc vụ cà phê trong năm, thị trường bia Dung Quất ở Tây Nguyên lại sôi động. Mỗi năm, bia Dung Quất cung ứng lên các vùng này khoảng vài trăm nghìn thùng.

Nỗ lực "vượt dốc"

Ông Trần Thanh Minh - Phó phòng thị trường - Công ty Thành Phát (thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi) cho biết: "Hiện tại bia Dung Quất đang nỗ lực tham gia vào các hoạt động đại hội khu dân cư, qua đó gặp gỡ, tri ân khách hàng, đồng thời cũng là dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người dân Tây Nguyên".

Cũng theo ông Minh, thị trường Tây Nguyên luôn có sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại. Có nhiều hãng bia mở nhà máy tại đây, vì thế chiến lược của bia Dung Quất là giữ vững chất lượng sản phẩm, triển khai tốt giải pháp thị trường, hướng mạnh quyền lợi đến tận tay người tiêu dùng để giữ vững và phát triển hơn nữa thị trường Tây Nguyên.

Hiện tại, Công ty Cổ phần Phân bón hữu cơ Humic cũng là một trong những DN có sản lượng tiêu thụ mạnh tại thị trường Tây Nguyên. Nhiều vùng chuyên canh cà phê, tiêu, cao su và rau màu đều có đại lý phân bón Humic. Trước khi mở thị trường và để thị trường Tây Nguyên chấp nhận, Công ty Cổ phần phân bón hữu cơ Humic đã phải dày công thực hiện các mô hình trình diễn điểm trên cây trồng.

Khi thấy hiệu quả vượt trội, những người nông dân mới tin tưởng. "Rất khó khăn để mở và giữ thị trường phân bón Humic ở Tây Nguyên. Thế nhưng, đây là thị trường tiềm năng, khó mấy chúng tôi cũng phải vượt qua. Và sau bao năm gắn bó cùng nông dân Tây Nguyên, phân bón Humic đã được nông dân tin tưởng, chọn dùng cho phát triển mùa màng", ông Trần Đức Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Hữu cơ Humic chia sẻ.

Hiện tại, Quảng Ngãi còn có một số sản phẩm tiêu dùng khác như nước mắm, cá khô, hành tỏi Lý Sơn... cũng được người dân, nhất là người Quảng Ngãi ở Tây Nguyên tin dùng. Tuy nhiên, đại lý cung ứng các sản phẩm này vẫn còn khá nhỏ lẻ. Thị trường Tây Nguyên rất tiềm năng, song việc khai thác thế nào cho hiệu quả vẫn còn là ẩn số, với nhiều thử thách mà DN phải vượt qua.
 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.