Giấc mơ cao chè xanh Minh Long

08:10, 31/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- “Làm thế nào để mang chè xanh Minh Long đến tay mọi người tiện lợi nhất nhưng vẫn giữ chất chè đặc trưng?”. Từ trăn trở ấy ông Trịnh Ngọc Phú và Trần Văn Xuân ở thôn 3, xã Long Hiệp (Minh Long) đã mày mò nghiên cứu về cao chè xanh.  

TIN LIÊN QUAN

Ông Trần Phú Xuân (trái) và ông Trịnh Ngọc Phú cùng chia sẻ về tâm huyết với sản phẩm cao chè xanh Minh Long.
Ông Trần Văn Xuân (trái) và ông Trịnh Ngọc Phú cùng chia sẻ về tâm huyết với sản phẩm cao chè xanh Minh Long.



Sau những ngày kiên nhẫn đỏ lửa, hai người hàng xóm đã biến nắm chè xanh của vùng cao trở nên keo đặc, dẻo quánh. Người dùng chỉ cần pha với nước sôi, có ngay cốc nước chè thơm ngon, mang hương vị núi rừng. Đây là sản phẩm được phát triển từ việc làm cao cà gai leo mà ông Phú và ông Xuân đã cùng hợp tác thực hiện trước đó.

Nâng cấp cây mọc hàng rào

“Khi tôi còn nhỏ, cây cà gai leo mọc dại đầy ngoài hàng rào, trên sườn núi. Lúc ấy mới chỉ biết tác dụng của cây cà gai leo là đốt thân thành than trị nhiệt miệng rất hiệu quả. Những năm qua, phong trào trồng cà gai leo nở rộ khắp nơi nên sẵn có đất vườn và đất lúa không gieo sạ được, đầu năm 2016, tôi xuống thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) mua cây giống về trồng. Đến lúc thu hoạch, giá bán chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/ký tươi không đủ bù vào chi phí, công sức bỏ ra”, ông Trần Phú Xuân, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Long Hiệp kể lại ý tưởng nấu cao cà gai leo.

 

Cao cà gai leo sau khi hoàn thành.
Cao cà gai leo sau khi hoàn thành.


Từ thực tế cà gai leo “được mùa, mất giá” không bán được, cộng với cha ông Xuân, nhiều năm qua mắc bệnh viêm da gây ngứa đã chữa trị khắp nơi nhưng vẫn chưa bớt. Từ đó, ông Xuân cùng với ông Trịnh Ngọc Phú - vốn là thầy thuốc Đông y, hiện là nhân viên Phòng Y tế huyện Minh Long, hai người hàng xóm nghĩ cách “cứu” diện tích cà gai leo.

Trò chuyện, ông Phú và ông Xuân cho biết, sau khi tìm hiểu thông tin, biết nhiều người trong tỉnh đã nấu cao cà gai leo đều chưa thành công. Nhưng với suy nghĩ “chưa thử sức thì chưa biết như thế nào, hãy tin tưởng mình có thể làm được nhất là có bạn đồng hành cùng đi”, nên hai người háo hức bắt tay vào làm.

“Những ngày đầu, cả tuần chúng tôi không có ngày nghỉ vì làm việc theo giờ hành chính, đến thứ bảy - chủ nhật mới bắt tay vào làm. Nhân lực trong nhà đều huy động, hai bà vợ nhổ cỏ, cắt cà gai leo, mẹ vợ ở nhà băm nhỏ, phơi khô. Còn tôi với anh Phú đi kiếm củi, chuẩn bị xoong nồi, làm bếp nấu”, ông Xuân cho hay. Để nấu cao cà gai leo, hai người nấu ròng rã 2 ngày 2 đêm, lại phải dùng đũa đảo nhuyễn từ 4 - 6 tiếng đồng hồ đến nỗi mỏi rã rời.

Nhưng hai lần đầu thử nghiệm đều không đạt như ý vì chỉ cần sơ ý để già lửa là nồi cà gai leo có mùi “khê” liền. Không nản chí, ông Phú và ông Xuân bắc nồi cà gai leo thứ ba lên bếp. Đến lúc này, hai người mới thở phào khi sản phẩm cô đặc có màu sắc đẹp, nhấm nháp giữ được vị chua và mặn của đặc tính chữa bệnh cây cà gai leo.

Vậy là, từ diện tích cà gai leo sắp phải phá bỏ, qua bàn tay siêng năng, không ngại khó ngại khổ, ham học hỏi của hai người hàng xóm với nhau chế biến thành sản phẩm nhiều ích lợi. Ban đầu, cao cà gai leo nấu ra, người nhà sử dụng trước và dần thấy hiệu quả với cha anh Xuân đã bớt ngứa dù không còn dùng thuốc tây. Từ đó, bà con, người thân quen rỉ tai nhau, tần suất nấu cao cà gai leo tăng lên dần...

Giấc mơ đổi đời cho cây đặc sản

Từ bước đệm nấu thành công cao cà gai leo, ông Trịnh Ngọc Phú và Trần Văn Xuân cùng hướng đến một loại cây trồng phổ biến mà bao nhiêu năm qua đã góp tên vào đặc sản miền núi nhưng vẫn chưa mang lại thu nhập và hiệu quả nổi bật cho người dân.

Đó là cây chè xanh, vốn là cây bản địa ở Minh Long. Những năm qua, chè Minh Long chủ yếu bán ở địa phương và các huyện lân cận. Cây chè vẫn chưa vươn xa đến các thị trường tiềm năng khác dù nhiều người đã công nhận hương vị đặc trưng của nó.

 

Cao chè xanh Minh Long vẫn giữ lại chất chè, hương vị và màu sắc của cây chè vùng cao.
Cao chè xanh Minh Long vẫn giữ lại chất chè, hương vị và màu sắc của cây chè vùng cao.


“Cây chè có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Nguồn nguyên liệu chè ở Minh Long rất dồi dào. Nếu chế biến thành cao chè, ai “ghiền” lá chè quê hương đi đâu cũng có thể mang theo rất gọn nhẹ, không tốn thời gian sơ chế mà lại dễ dàng pha nước uống. Hơn nữa, từ sự tiện lợi này sẽ góp phần quảng bá hương vị chè xanh Minh Long đến mọi miền Tổ quốc, để chè Minh Long trở thành thức uống thú vị với người tiêu dùng”. Đó là những gửi gắm tâm huyết của ông Phú và ông Xuân vào sản phẩm mới này.

Điều thú vị, sau khi trình bày ý tưởng về cao chè xanh Minh Long, nhiều cán bộ và người dân địa phương rất quan tâm. Có vị cán bộ vì yêu thích hương vị chè Minh Long vừa nghe xong liền đi mua hộp đựng ủng hộ, chờ sản phẩm ra lò. Chính sự động viên đó như tiếp thêm niềm tin, phấn khởi cho chúng tôi, ông Phú chia sẻ.

Theo ông Phú, để chọn ra cao chè đặc sắc nhất, ông nấu thử nghiệm từng nồi chè khác nhau như nồi thì toàn lá chè non, lá chè già, cành... và theo đó cao chè cũng cho ra màu sắc đậm nhạt khác nhau. Điều cốt yếu của cao chè đó là vẫn giữ lại chất chè đặc trưng của vùng cao Minh Long. Ông Phú lấy một ít cao chè cho vào cốc nước sôi, dùng đủa đảo nhẹ. Nước dần chuyển sang màu vàng tươi, cao tan hoàn toàn trong nước, không hề có cặn.

Hiện nay, các bước nấu cao cà gai leo và cao chè xanh Minh Long thực hiện đều hoàn toàn thủ công, nguồn nguyên liệu và nước sạch để làm ra sản phẩm cho đến công đoạn cuối cùng. Việc chế biến, cũng như "mặc áo mới” cho hai loại sản phẩm này không chỉ giúp đến tay người tiêu dùng dễ dàng, tạo công ăn việc làm cho lao động miền núi mà còn nâng tầm những loại cây trồng quen thuộc có nhiều tác dụng quý giá đối với sức khỏe con người.

"Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, để giấc mơ về cao cà gai leo, nhất là cao chè xanh Minh Long trở thành sản phẩm thông dụng thì chúng tôi còn nhiều việc phải làm, nhất là thực hiện các thủ tục kiểm định sản phẩm theo quy định và đăng ký thương hiệu mới giới thiệu, quảng bá hai sản phẩm này. Điều này rất mong các cấp ban ngành quan tâm và hỗ trợ", ông Xuân chia sẻ.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.