Các "ông lớn" ngân hàng hạ lãi suất huy động: Liệu gió có đổi chiều?

09:10, 06/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau thời gian dài “bám đuổi” tăng lãi suất huy động, mới đây, các ngân hàng lớn đã “rủ nhau” hạ lãi suất huy động Việt Nam đồng. Liệu việc điều chỉnh lần này có tạo ra được luồng gió mới, tạo đà giảm lãi suất cho vay.

TIN LIÊN QUAN

Đồng loạt hạ lãi suất

Lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

 

Hiện lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn khá cao.
Hiện lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn khá cao.


Cụ thể, theo biểu lãi suất tiết kiệm mới mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) vừa công bố, mức lãi suất tiền gửi đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, lãi suất không kỳ hạn còn 0,3%/năm, lãi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng 4,3%/năm. Đặc biệt, lãi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 5,1%/năm xuống còn 4,8%/năm, 6 tháng 5,3% và 9 tháng là 5,5%. Trong khi đó, lãi các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng cũng chỉ còn 6,5%/năm. Còn tại Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), mức giảm còn mạnh mẽ hơn.

Lãi suất không kỳ hạn vẫn để 0,5%/năm, nhưng kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng 4,3%/năm, các kỳ hạn từ 3 - 6 tháng cũng giảm mạnh từ 5,3% xuống còn 4,8%/năm. Trong khi kỳ hạn trên 36 tháng cũng được kéo giảm xuống mức dưới 7%/năm. Và tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), mức lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 tháng cũng được đưa về mức 4,3%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tiết kiệm áp dụng mức lãi suất 6,9%/năm.

Có tạo ra được luồng gió mới?

Theo đại diện lãnh đạo các ngân hàng, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động là giải pháp tích cực, đã được Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04 về tiết giảm chi phí, nhằm cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.  Tuy nhiên, liệu rằng với những bước đi "ngược dòng" của các ngân hàng đầu tàu có tạo ra xu hướng chung cho cả hệ thống?

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thúy Kiều – Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi cho biết: “Vietcombank là một trong bốn ngân hàng lớn tiên phong hạ lãi suất huy động theo chủ trương của NHNN. Biết rằng việc hạ lãi suất tiết kiệm sẽ gây khó khăn cho việc  huy động vốn, nhưng Vietcombank sẽ cạnh tranh bằng thương hiệu. Và tôi nghĩ rằng, động thái này sẽ tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay chung trong hệ thống ngân hàng thương mại”.

Trái với ý kiến này, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng cổ phần cho rằng, liệu cách làm này có tạo ra luồng gió mới mạnh mẽ hay không vẫn còn phải chờ xem. Bởi theo tâm lý của nhiều người thường chọn các ngân hàng huy động cao để gửi và chọn các ngân hàng cho vay thấp để vay. Bên cạnh đó, nhu cầu huy động vốn từ nay đến cuối năm vẫn ở mức cao, do ngân hàng phải chuẩn bị nguồn lực đẩy mạnh tín dụng. Hơn nữa, các ngân hàng lớn thường có thanh khoản tốt, trong khi đa số các ngân hàng cấp nhỏ hơn vẫn đang rất thiếu vốn, nên để họ giảm lãi suất, giảm sức cạnh tranh thì chắc là rất khó.

Thực tế, qua khảo sát của phóng viên tại một số ngân hàng cổ phần đóng  trên địa bàn Quảng Ngãi, hiện tại mức lãi suất huy động vẫn còn khá cao. Trong đó, đa phần nằm ở mức 7,6%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Vấn đề hạ lãi suất cho vay đã được nói nhiều và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo NHNN thực hiện ngay từ đầu năm, nên thời gian qua, NHNN đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp.

Qua đó, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc giảm lãi suất cho vay vẫn chưa thể thực hiện được. Hy vọng với động thái giảm lãi suất huy động lần này sẽ tạo ra được luồng gió mới để hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển nền kinh tế.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.