Bấp bênh cây dược liệu

08:10, 19/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ có tác dụng chữa bệnh, cây cà gai leo, khổ sâm... một thời đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thế nhưng, trước tình trạng trồng ồ ạt, không theo quy hoạch, không chủ động được đầu ra đã khiến cho những loại cây dược liệu này rơi vào tình trạng “chết yểu”.

TIN LIÊN QUAN

Thấp thỏm đầu ra

Trước đây, cà gai leo chỉ là một loại cây dại, được nhiều người săn lùng để bán cho thương lái. Nhưng từ khi kỹ sư Nguyễn Đức Tuệ, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) mang giống cây này về trồng trên núi Trọc thì nó đã trở thành "cây kinh tế" cho nhiều hộ dân nơi đây.

“Tiếng lành đồn xa” nên ngày càng có nhiều người dân trồng cây cà gai leo. Trong đó, huyện Nghĩa Hành là địa phương có diện tích cà gai leo lớn nhất tỉnh, với trên 100 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, do số lượng người dân trồng quá nhiều, khiến cho cây dược liệu này rớt giá thê thảm.

Ông Đàm Bàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa hành cho biết: “Huyện cũng đã chỉ đạo xuống các xã để tuyên truyền cho người dân không nên chạy theo phong trào trồng cây cà gai leo. Tuy nhiên, việc trồng và bán cây cà gai leo là do tự phát giữa người dân và bên thu mua, chứ không thông qua chính quyền địa phương nên khó kiểm soát được”.

Không riêng gì các hộ dân ở Nghĩa Hành mà ngay cả HTX Dịch vụ nông nghiệp nông thôn Tịnh Trà (Sơn Tịnh) cũng thất bại trước mô hình kinh tế này. Năm 2015, HTX vui mừng ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông Lâm Xanh để thực hiện Dự án trồng cà gai leo trên diện tích 11ha, với thời hạn 10 năm. Đây được xem là mô hình kinh tế mới trên đất Tịnh Trà, hứa hẹn mở ra hướng làm ăn triển vọng cho bà con xã viên.

Theo đó, HTX Tịnh Trà đã tiến hành trồng 3ha đầu tiên. Sau hơn 2 tháng trồng, HTX đã thu hoạch bán cho công ty, với giá dao động từ 15.000 – 16.000 đồng/kg tươi. Thế nhưng, niềm vui ấy không tồn tại được bao lâu, khi giá cà gai leo liên tục giảm và rớt xuống ngưỡng 3.000 đồng/kg tươi. Hiệu quả kinh tế mang lại không như mong đợi và trước tình trạng bấp bênh về đầu ra nên HTX Tịnh Trà đã phá bỏ toàn bộ diện tích trồng cây cà gai leo để chuyển sang cây trồng khác.

 

Việc trồng cây dược liệu chủ yếu mang tính tự phát.
Việc trồng cây dược liệu chủ yếu mang tính tự phát.


Cùng với cây cà gai leo, hiện nay người dân cũng đã trồng nhiều loại cây dược liệu khác với mục đích kinh tế, điển hình là cây khổ sâm. Ông Bùi Văn Phô, ở thôn Tú Sơn, xã Đức Lân (Mộ Đức) cho biết: “Ở Đức Lân có một số người trồng khổ sâm, nhưng phần lớn trồng theo phong trào để giá thu mua cao thì bán, còn giá rẻ thì bỏ mặc, không chăm sóc. Còn riêng tôi thì luôn đầu tư phân bón và chăm sóc kỹ, vì tôi nghĩ cây gì cũng vậy muốn có thu thì phải bỏ công”.

Để phát triển số lượng cây khổ sâm, ông Phô đã mày mò tìm cách ươm thử cây con. Tuy nhiên cái khó hiện nay, giá khổ sâm lên xuống thất thường, chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu bán cho các thương lái thu mua nhỏ lẻ. “Từ lúc trồng đến nay, giá hạt khổ sâm bán cao nhất đạt 140.000 đồng/kg. Hiện nay, giá xuống thấp chỉ còn 25.000 đồng/kg nên tôi còn trữ trong nhà hơn 1 tấn hạt, chờ được giá mới bán”, ông Phô chia sẻ.

Cần giải pháp bền vững

Không còn cảnh nhộn nhịp mua đâu bán đó nữa, hàng tấn cây dược liệu cà gai leo đang bị ứ đọng. Trong khi đó, giá cà gai leo cũng đã rớt xuống tận đáy, với 2.000 đồng/kg tươi. Thu không đủ chi, nhiều người đành phá bỏ cây cà gai leo để chuyển sang cây trồng khác.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng các thuốc, thực phẩm chức năng được bào chế từ các cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng, nên nhu cầu sử dụng cây dược liệu rất lớn, dẫn đến việc khai thác mang tính tận thu đối với cây dược liệu khá phổ biến. Việc khai thác liên tục trong nhiều năm không chú ý tới bảo vệ, duy trì, tái sinh, cùng với đó là việc tổ chức nghiên cứu, sản xuất cây dược liệu chưa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đúng mức đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu ngày càng giảm sút nghiêm trọng về thành phần loài, số lượng.

Ngoài ra, theo tâm lý của người dân là khi nghe cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao là thi nhau trồng theo phong trào mà không hề có sự liên kết về đầu ra, trong khi số doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu tập trung chưa nhiều.

Đồng thời, cơ sở hạ tầng còn thiếu, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ nên chưa hình thành được vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất. Do đó, để phát triển bền vững diện tích trồng cây dược liệu, người dân rất cần sự định hướng, quan tâm từ các đơn vị liên quan.

“Chỉ cần đầu ra và đất trồng ổn định, tôi sẽ đầu tư phát triển thêm diện tích trồng cây dược liệu, đồng thời tìm cách chào hàng khắp nơi trong tỉnh, kể cả đến các tỉnh xa như Hà Nội, Hưng Yên... để tiêu thụ sản phẩm”, ông Bùi Văn Phô, xã Đức Lân bộc bạch.

Bài, ảnh: H.HOA – B.HÒA


 


.