Vụ cá nuôi chết hàng loạt ở Phổ Thạnh: Do ô nhiễm môi trường

10:09, 28/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi kiểm tra tại hiện trường, lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt xảy ra vào ngày 5.9 tại xã Phổ Thạnh (Báo Quảng Ngãi đã có bài phản ánh), đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, nguyên nhân cá chết là do tại vị trí nuôi bị ô nhiễm môi trường, nước thiếu ôxy...

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) có khoảng 105 hộ nuôi cá tự phát với số lượng 315 lồng. Con giống chủ yếu mua từ tỉnh Khánh Hòa, chưa qua kiểm dịch. Thực tế kiểm tra ngày 6.9, chúng tôi đo nhanh các chỉ tiêu môi trường như độ mặn, ôxy hòa tan tại lồng nuôi của hộ ông Đỗ Văn Được thôn Thạnh Đức 2. Đồng thời, thu mẫu cá có dấu hiệu bị bệnh gửi Cơ quan Thú y vùng VI để phân tích xét nghiệm bệnh. Đối chiếu với Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước biển, thì tại vị trí kiểm tra chỉ tiêu ôxy hòa tan thấp hơn giới hạn cho phép.

Ngành chức năng khuyến cáo hộ nuôi cá tránh xa nơi ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp...
Ngành chức năng khuyến cáo hộ nuôi cá tránh xa nơi ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp...


Cũng theo kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng VI cho thấy, mẫu cá âm tính với Betanodavirus gây bệnh hoại tử thần kinh VNN. Về nguyên nhân cá chết, có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó do các hộ nuôi tự phát, vị trí nuôi gần bờ, ngay trên khu vực tàu thuyền neo đậu và lưu thông qua lại thường xuyên, lại gần khu vực các nhà máy chế biến hải sản, dẫn đến lượng chất thải, rác thải và dầu thường xuyên tập trung quanh vùng nuôi. Đồng thời, nắng nóng kéo dài, làm cho nhiệt độ nước biển vùng ven bờ tăng cao, khiến cho các lồng cá bớp bị thiếu ôxy nên chết hàng loạt.

Để tình trạng cá chết bất thường không tái diễn, ông Nguyễn Văn Thuận  khuyến cáo người dân nuôi trong vùng quy hoạch của chính quyền địa phương, tránh xa nơi ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tàu thuyền thường xuyên qua lại; chọn con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nên mua giống tại cơ sở uy tín và có giấy chứng nhận kiểm dịch; nuôi đúng lịch thời vụ và mật độ 15- 25 con/m3 lồng; sử dụng các biện pháp đảo nước để tăng cường ô xy hòa tan, nhất là vào khoảng thời gian từ 3 – 4 giờ sáng; sử dụng chlorine dạng bột cho vào túi vải, treo giữa lồng, với liều lượng 0,4 – 0,8ppm, sau thời gian 3 – 4 ngày thay một lần để làm sạch môi trường nước tại lồng nuôi.
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.