Trình Chính phủ mức tăng 7,3% lương tối thiểu vùng

03:09, 08/09/2016
.

Chiều 7-9, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công (NCC).

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho biết, với Đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi NCC, Bộ LĐTB-XH được giao 3 đề án: cải cách tiền lương của doanh nghiệp (DN); BHXH, ưu đãi NCC. Trong đó, với tiền lương DN thì hiện nay, về cơ bản lương DN đã tiếp cận theo nguyên tắc thị trường. Về BHXH, chúng ta đang trong quá trình cải cách để bảo đảm tính ổn định, lâu dài. Hiện Chính phủ đang xây dựng đề án bảo đảm mục tiêu đến 2020, 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH (trong khi hiện nay mới chỉ hơn 23%). Bộ LĐTB-XH đang hoàn chỉnh đề án này, sau đó sẽ xin ý kiến Chính phủ. Với ưu đãi NCC, Chính phủ có nhiều giải pháp để bảo đảm đời sống NCC ngày càng tốt lên.
 

Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ tăng 7,3% ở khu vực doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ tăng 7,3% ở khu vực doanh nghiệp. Ảnh minh họa


Riêng về lương khu vực DN, ông Huân cho biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia với cơ chế thương lượng cấp quốc gia giữa 3 bên: nhà nước (đại diện là Bộ LĐTB-XH), người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã thống nhất, năm 2017 sẽ tăng 7,3% lương tối thiểu vùng ở khu vực DN. Theo đó, mức tăng tuyệt đối là từ 180.000 - 250.000 đồng tùy theo các vùng.

Theo ông Phạm Minh Huân, mức tăng 7,3% nhận được sự đồng thuận cao dù trước đó phía tổng liên đoàn đưa ra trên 10% còn VCCI chỉ đề nghị tăng 4% - 5%. “Nhưng quan điểm của Hội đồng Tiền lương quốc gia thì mức tăng 7,3% là phù hợp. Dù thế, vẫn còn 3 hiệp hội: dệt may, chế biến thủy sản, một hiệp hội nước ngoài vẫn đề nghị 2017 chưa nên tăng lương tối thiểu trong DN”, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết.

Kết luận về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến của Hội đồng Tiền lương quốc gia vì cho rằng, mức tăng 7,3% là mức hợp lý trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng giao Bộ LĐTB-XH sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng 9.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cũng đã bước đầu bàn về nội dung tăng mức lương cơ sở 2017 cho đối tượng người hưởng lương ngân sách. Theo đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị dự kiến phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 khoảng 16,5%. Về vấn đề này, Bộ LĐTB-XH đề nghị nếu ngân sách khó khăn thì có thể tăng thấp hơn. Bộ Tài chính ước tính nếu tăng mức này thì ngân sách tăng 76.000 tỷ đồng, vì vậy đề nghị trước mắt chưa trình Chính phủ mức tăng cụ thể vì với tình hình hiện nay, ngân sách 2017 rất khó khăn, chưa có nguồn tăng lương. Nếu tăng lương thì phải tiết kiệm chi, rà soát cắt giảm các khoản chi. Bộ Nội vụ đồng ý mức tăng này từ 1-1-2017, nếu ngân sách khó khăn thì vẫn tăng mức này nhưng cho lùi thời gian thực hiện.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi NCC cần sớm kiện toàn, cùng với đó sớm hoàn thành 3 đề án trình Trung ương: cải cách chính sách BHXH, cải cách ưu đãi NCC, chính sách tiền lương của cán bộ chiến sĩ khu vực lực lượng vũ trang và người lao động khu vực DN. Với phương án tăng lương tối thiểu 2017, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tinh thần chung là phải tìm nguồn đề tăng lương càng sớm càng tốt. Các bộ ngành, địa phương cần triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên trong dự toán được giao (tiết kiệm đi công tác nước ngoài, khánh tiết, hội thảo...). Sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương dành cho tăng lương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần quản lý chặt chẽ nguồn này để có tiền tăng lương, tuyệt đối không cho sử dụng nguồn này vào bất cứ việc nào khác; Bộ Tài chính không đề xuất và cũng không phê duyệt bất cứ khoản nào trong phần này. Cùng với đó sử dụng một phần tăng thu ngân sách Trung ương để cho việc tăng lương. Tiết kiệm chi song song với phấn đấu tăng thu ngân sách. Đẩy mạnh tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập để giảm áp lực trả lương.
 

Theo PHAN THẢO/SGGPO


 


.