Rau Tịnh Long hướng đến VietGAP

09:09, 30/09/2016
.

 


(Baoquangngai.vn)- Trong bối cảnh thực phẩm bẩn trở thành mối lo ngại của toàn xã hội, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, xã Tịnh Long lên kế hoạch xây dựng thương hiệu “rau an toàn” để tìm sự khác biệt và nâng giá trị cho cây rau.

Thế mạnh & thế yếu

Chiều 30.9, UBND xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị chuyên đề sản xuất, tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2016-2020. Bên ngoài hội nghị, ở cánh đồng trước UBND xã, bà Sáu Thuận cùng chồng đang nhổ cỏ cho ruộng hẹ của bà. Vừa nhổ cỏ, bà Thuận vừa than phiền rằng đây là loại cỏ mới xuất hiện, không biết là cỏ gì, nhưng bà không phun thuốc diệt cỏ mà cần mẫn nhổ để có rau sạch đem bán.

 

Trồng rau là nghề truyền thống lâu đời ở xã Tịnh Long. Ảnh: P.L

Trồng rau là nghề truyền thống lâu đời ở xã Tịnh Long. Ảnh: P.L

 

Bà Thuận năm nay đã 65 tuổi, từ nhỏ đã theo cha mẹ trồng rau và sống nhờ nghề rau như bao người nông dân khác ở đây. Xã Tịnh Long trước đây có tên gọi là làng Sung Tích, là làng rau truyền thống nổi tiếng ở Quảng Ngãi.

Được dòng phù sa sông Trà bồi đắp, làng Sung Tích có thổ nhưỡng màu mỡ để phát triển nghề trồng rau. Đặc biệt, rau ở đây có thể làm quanh năm, mùa nắng thì trồng rau dưới đất thấp, ở bãi bồi, còn mùa đông thì trồng ở đất triền núi. Lợi thế đặc biệt này đã giúp người dân kế thừa và liên tục phát triển nghề trồng rau.

Theo thống kê của UBND xã Tịnh Long, toàn xã có 1.968 hộ thì có đến 1.500 hộ trồng rau. Từ năm 2003 đến nay, diện tích trồng lúa bị thu hẹp, diện tích đất trồng rau liên tục tăng lên, từ 143ha lên 264ha, chiếm trên 40% tổng diện tích đất nông nghiệp.

Với sản lượng tiêu thụ khoảng 12-15 tấn/ngày, rau Tịnh Long là nguồn cung cấp rau quả ổn định cho các địa phương trong tỉnh, thậm chí còn vươn đến các chợ ở TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Thu nhập từ rau có năm lên đến 100 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh đang có thì nghề trồng rau ở xã Tịnh Long cũng bộc lộ những thế yếu và nguy cơ hiện hữu.

Giải thích cho việc cần mẫn nhổ cỏ mấy luống hẹ thay vì phun thuốc, bà Sáu Thuận nói rằng lương tâm không cho phép bà gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mua, hơn nữa thì việc phun thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bà.

Nhưng không phải ai cũng làm như bà Thuận, báo cáo của UBND xã Tịnh Long thừa nhận: “Hiện nay, trên địa bàn xã chưa có tổ hợp tác, HTX sản xuất rau. Việc trồng rau do các hộ nông dân trồng với diện tích nhỏ lẻ, thâm canh, sản xuất theo thị hiếu thị trường, thực hiện quy trình sản xuất, thu hoạch theo tập quán do đó việc bón phân, phun thuốc, thu hoạch dựa trên cảm quan nhìn trời, nhìn giá, nhìn cây mà không theo đúng quy trình kĩ thuật, làm cho sản phẩm rau đôi khi vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

Thêm nữa công tác tuyên truyền chưa được quan tâm, nhận thức của người dân về sản xuất rau an toàn còn hạn chế. Người nông dân thường gặp khó khăn do giá rau xanh bấp bênh, đầu ra không ổn định.

Để phát triển nghề trồng rau theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, từ rất nhiều năm trước, tại xã Tịnh Long đã có những mô hình thí điểm về sản xuất rau an toàn.

Xây dựng thương hiệu “rau an toàn”

Năm 2002, UBND xã Tịnh Long thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn ở xứ đồng Cơm Khách trên diện tích 0,5ha. Nhà nước đầu tư 100% giống, vật tư, kỹ thuật, nông dân chăm sóc, Trạm Khuyến nông mua bằng giá thị trường và bán ở quầy rau sạch huyện Sơn Tịnh.

Năm 2003, mô hình trược nhân rộng lên trên 1ha ở các xứ đồng Cơm Khách, Hộ Cơ, Đồng Quýt; nhà nước chỉ đầu tư 50% và hướng dẫn kĩ thuật, Trạm Khuyến nông thu mua bằng giá thị trường, nhưng chỉ mua khoảng 1 tạ rau mỗi ngày, số còn lại nông dân phải bán ra ngoài thị trường .

Năm 2007, Trường Đại học Nông lâm Huế kết hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp đầu tư mô hình sản xuất rau sạch trong nhà bạt, trụ bê tông xi măng, hệ thống nước tự động có bể lọc với diện tích 1.000m2 ở xứ đồng Ly Ngao, với các giống rau của trường chuyển vào.

Song, chỉ một thời gian ngắn áp dụng các mô hình này, các hộ nông dân lại quay về sản xuất rau theo kiểu truyền thống. Ông Đỗ Văn Ba-Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, khi áp dụng đúng quy trình các mô hình này thì chi phí nhân công tăng cao, nhưng sản lượng và giá cả không tăng, hơn nữa không đảm bảo được 100% đầu ra cho rau.

 

Chính quyền xã Tịnh Long lên kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn với thương hiệu và giá trị khác biệt. Ảnh: P.L

Chính quyền xã Tịnh Long lên kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn với thương hiệu và giá trị khác biệt. Ảnh: P.L

 

Rút kinh nghiệm từ những mô hình này, chính quyền xã đưa ra giải pháp kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên các xứ đồng.

Mục tiêu đến năm 2017, xã Tịnh Long thực hiện mô hình “Sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm” với diện tích 0,5ha, đồng thời xây dựng đề án kêu gọi đầu tư vùng huyên canh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5ha.

Song song với việc xây dựng các mô hình liên kết, kêu gọi doanh nghiệp tham gia từ sản xuất đến tiêu thụ, chính quyền xã Tịnh Long cũng lên kế hoạch xây dựng thương hiệu và sự khác biệt cho rau Tịnh Long.

Để đạt được những mục tiêu này, về phía nhà nước, ông Đỗ Văn Ba cho rằng cần đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, hệ thống nước tưới, hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa.

“Sản xuất rau an toàn nếu đạt hiệu quả mà vẫn tốt cho sức khỏe người tiêu dùng ai mà không muốn”, đó là câu trả lời của bà con nông dân về sản xuất rau an toàn. Nhưng ngay lúc này, điều họ đối diện không chỉ là cỏ dại, sâu rầy hay thiên tai mà một hệ thống tiêu thụ vừa đòi hỏi hình thức bóng mướt, vừa yêu cầu giá rẻ, một thị trường luôn đặt họ vào cảnh được giá mất mùa, được mùa mất giá.

Xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn, nâng chất lượng và giá trị cây rau, thay đổi quan niệm của người tiêu dùng là giải pháp để thay đổi thực trạng này. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc của nhà doanh nghiệp và nhà nước, không thể trông chờ vào “rau sạch” hay “rau an toàn” khi để người nông dân đơn độc trên cánh đồng.

Phạm Linh


.