Nông thôn mới cần được "tiếp lửa"

02:09, 27/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì những rào cản và khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện mà Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) dường như đang “nguội dần” sau 5 năm triển khai...         

TIN LIÊN QUAN

Dù hạ tầng nông thôn, phương thức sản xuất, môi trường và cuộc sống người dân... thay đổi rõ nét, nhưng xã Bình Dương (Bình Sơn) - địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2014, lại đang “mất lửa” trong việc duy trì và hoàn thiện các tiêu chí NTM. “Bình Dương chưa thể hiện sức sống của xã NTM. Người dân thụ động trong việc thay đổi phương thức sản xuất, còn bộ máy lãnh đạo xã cũng chưa có sức bật”, ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận xét trong chuyến đi kiểm tra thực tế Chương trình NTM tại xã Bình Dương vào sáng 21.9.

Sự thiếu sức sống ở xã NTM Bình Dương thể hiện qua tình trạng sân vận động cửa đóng im ỉm, bên trong cỏ dại mọc dày; nghĩa trang liệt sĩ xã thiếu khang trang, cơ sở vật chất văn hóa cũng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân... Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn ở xã Bình Dương được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét là “chưa thực sự nổi bật so với các xã NTM trong cả nước”.

 

Dù được xem là
Dù được xem là "sức khỏe của NTM" nhưng phát triển sản xuất chưa được quan tâm đúng mức nên nông dân phải tự bơi.

Thực trạng trên, theo ông Đỗ Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Bình Dương là "do nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất chưa được quan tâm đúng mức”. Vì vậy, dù biết hiệu quả sản xuất chưa cao, đầu ra của sản phẩm bấp bênh và khả năng cạnh tranh thấp, nhưng chính quyền địa phương cũng bất lực. “Chúng tôi cũng loay hoay, không biết làm cách nào để tiếp cận doanh nghiệp”, ông Huấn bày tỏ.

 Chưa đồng tình với giải thích này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, vấn đề không nằm ở việc nguồn lực yếu hay mạnh mà là do năng lực quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở. “Vai trò của chính quyền cơ sở là hỗ trợ nông dân trong việc tìm kiếm thông tin thị trường. Tuy nhiên, chính quyền xã Bình Dương lại phó mặc việc này cho nông dân, như thế là không ổn”, ông Thành đặt vấn đề.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình NTM, một số tiêu chí đã bộc lộ những bất hợp lý. Đơn cử như tiêu chí số 16 về văn hóa (VH). Ngoài quy định xã có 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn thôn VH thì tiêu chí này còn quy định các thôn phải duy trì, giữ vững danh hiệu  thôn VH trong 5 năm liền.
 
Nếu vì lý do nào đó mà một năm bị gián đoạn, không được công nhận thôn VH thì phải bắt đầu lại từ đầu. Điều này, theo chính quyền các địa phương là “cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn”. Bởi, có trường hợp thôn giữ vững danh hiệu thôn VH đến năm thứ 4 gặp sự cố, nên không được công nhận thì xem như công sức 4 năm phấn đấu của người dân trong thôn chỉ là con số 0.
 
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khí thế thi đua xây dựng NTM của  người dân trong thôn cũng như toàn xã. Do đó, “cần thiết phải điều chỉnh tiêu chí này. Nếu thôn bị vướng một năm không được công nhận thôn VH, thì các năm đã được thôn VH vẫn được cộng dồn để đủ 5 năm”, ông Phan Diệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn đề xuất.

Đối với tình trạng “tập trung hạ tầng, chưa quan tâm sản xuất”, các ngành chức năng cho rằng, “cần điều chỉnh ngay từ khâu phân bổ vốn”. Bởi, dù đã được phân tích và đề cập nhiều lần, nhưng chính quyền cơ sở cho rằng “hạ tầng là bộ mặt nông thôn” nên vẫn dành phần lớn nguồn vốn để đầu tư. Trong khi đó, phát triển sản xuất quyết định đến chất lượng cuộc sống người dân và được xem như “sức khỏe" của NTM thì vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.