Nhà máy tiền tỷ "thoi thóp"

09:09, 08/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Trà Bồng có vốn đầu tư trên 44 tỷ đồng, từng được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới cho “thủ phủ” quế Trà Bồng. Thế nhưng, chỉ sau khoảng một năm hoạt động, nhà máy rơi vào tình cảnh “thoi thóp”, vì thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Giá thu mua nguyên liệu rẻ

Khác với khung cảnh nhộn nhịp thu mua nguyên liệu trong những ngày đầu đi vào hoạt động, hiện tại Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Trà Bồng đóng tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) khá im ắng. Cửa ra vào nhà máy, các kho chứa nguyên liệu, hệ thống máy móc... đang trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Người dân sống gần khu vực này cho biết, nhà máy đóng cửa từ đầu năm nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà máy ngưng hoạt động là do thiếu nguyên liệu trầm trọng. Về phía người trồng quế, “đối tác” trực tiếp cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thì cho rằng, giá thu mua cành lá quế khô hiện nay của nhà máy chỉ 2.800 đồng/kg là quá thấp.

 

Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Trà Bồng đang trong tình trạng "cửa đóng, then cài".
Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Trà Bồng đang trong tình trạng "cửa đóng, then cài".


Anh Hồ Văn Thành ngụ thôn 5, xã Trà Thủy cho biết: “Nhà mình trồng được khoảng 200 gốc quế trên 5 năm tuổi. Có giá trị kinh tế lớn nhất vẫn là vỏ quế. Mới đây, khi nhà máy sản xuất tinh dầu quế đi vào hoạt động, tiến hành mua cành lá quế khô khiến người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, cây quế thường trồng trong rừng sâu, nửa ngày thu gom cành lá khô, rồi vận chuyển về nhà, bán được trên 30 nghìn đồng. Thu nhập chẳng thấm vào đâu so với công sức bỏ ra. Vì vậy, nhiều tháng nay, mình và nhiều bà con không thu gom cành lá quế để bán nữa”.

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Thịnh - Giám đốc nhà máy cho biết: "Trước kia người dân phá quế trồng keo lai, thời gian gần đây mới bắt đầu trồng lại quế mới. Phải chờ đến 5-7 năm nữa, diện tích quế mới phát triển. Lúc đó nhà máy mới đủ nguyên liệu để sản xuất. Để duy trì hoạt động, sắp tới chúng tôi sẽ làm gỗ ván ép từ cây quế... Về giá thu mua quế như hiện nay của nhà máy đã cao hơn 300 đồng/kg so với các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái".

Doanh nghiệp phải đầu tư vùng nguyên liệu

Nhà máy sản xuất tinh dầu quế sau khi đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất công nghiệp ở huyện vùng cao Trà Bồng, đồng thời giúp cho nông dân trồng quế ở Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây... có thêm nguồn thu nhập và góp phần bảo tồn giống quế truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, với tình trạng hoạt động cầm chừng như hiện nay, thì việc hiện thực hóa ước mơ đó vẫn còn rất xa vời.

Theo ông Võ Sỹ Phi - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng: "Công suất hoạt động của nhà máy khoảng 10.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nhà máy chỉ đạt khoảng 20 - 25% công suất thiết kế. Về tình trạng nhà máy thiếu nguyên liệu trầm trọng để sản xuất, huyện cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất. Vì hiện nay, nhà máy chủ yếu chỉ thu mua nguyên liệu từ trong dân, chứ chưa chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu riêng cho mình. Hơn nữa, với giá thu mua như hiện nay theo tôi là thấp. Đó cũng là một nguyên nhân, khiến nhiều nông dân trồng quế “quay lưng” với nhà máy".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Thịnh - Giám đốc nhà máy cho biết, hiện tại nhà máy đang gặp nhiều khó khăn. Để “cầm cự” đã là rất khó, việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu riêng là vượt khả năng, vì kinh phí đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: "Không riêng Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Trà Bồng, mà trên địa bàn còn có nhiều doanh nghiệp thu mua chế biến sản phẩm từ cây quế. Chủ trương của huyện là luôn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Hiện nhà máy sản xuất tinh dầu quế đang thiếu hụt về nguyên liệu sản xuất. Để giải bài toán nguyên liệu cho nhà máy này, thời gian đến huyện sẽ mở rộng vùng chuyên canh cây quế, khuyến khích người dân trồng quế. Tuy nhiên, thời gian trưởng thành của cây quế cần một thời gian khá dài”.


Bài, ảnh: PV



 


.