Nghiệp đoàn Nghề cá Nghĩa An: Chỗ dựa của ngư dân

08:09, 14/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) thành lập năm 2012 đã tạo nên sức mạnh, sự đoàn kết và yên tâm bám biển dài ngày để khai thác hải sản,  bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN

Nghĩa An hiện có đội tàu cá 969 chiếc, với tổng công suất 316.000 CV. Trong đó, có 720 tàu công suất 90 - 700 CV thường xuyên đánh bắt ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà dàn DK1... Ngoài việc đem về nguồn lợi thủy sản, lực lượng lao động này còn góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới biển đảo.

Nhờ liên kết hoạt động hiệu quả, nhiều ngư dân Nghĩa An đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn.
Nhờ liên kết hoạt động hiệu quả, nhiều ngư dân Nghĩa An đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn.


Ông Lê Huy Phúc - Phó Chủ tịch NĐNC cho biết: Nghiệp đoàn giúp ngư dân kết nối thành một khối thống nhất, tương trợ giúp đỡ nhau trên biển lúc sóng to gió lớn nơi biển khơi; điều động tàu của nghiệp đoàn kịp thời đến cứu hộ đưa tàu bị nạn về nơi an toàn. Khi mới thành lập chỉ có 216 ngư dân của 31 tàu cá trong xã tự nguyện xin gia nhập, nay nâng lên 629 người của 140 tàu chia thành 10 tổ, mỗi tổ phụ trách 1 mô hình khai thác hải sản.

Tất cả các tàu đều trên 90CV. Sản lượng đánh bắt hải sản cũng tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi năm trên 15.500 tấn, nhiều chủ tàu thuyền hằng năm thu về cả tỷ đồng. Thu nhập của lao động từ 45 - 60 triệu đồng/năm. Điển hình như tàu của ông Nguyễn Liêm, Trần Văn Nghề, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Dân...

Theo ngư dân xã Nghĩa An, trước đây ngư dân hoạt động đánh bắt đơn lẻ, phát hiện được luồng cá thì họ giấu. Nhưng nay thì không còn, họ tương trợ nhau và hoạt động theo tổ đội. Tàu nào bị nạn được các tàu thành viên trong tổ đội đến cứu hộ. Như tàu của ông Huỳnh Văn Phúc đã hỗ trợ cứu hộ tàu của ông Phạm Ngọc Phương bị tàu nước ngoài đâm va tại quần đảo Trường Sa.

Hay như tàu của ông Huỳnh Thanh Cư đang hoạt động ở Trường Sa bị chết máy, nhận tin đội tàu số 1 đã cử 2 tàu tới lai dắt tàu ông Cư vào bờ. Không chỉ vậy, các thành viên trong tổ còn đóng góp hỗ trợ 2 tàu 30 triệu đồng tiền nhiên liệu. Ngoài ra, các đoàn viên trong NĐNC Nghĩa An còn hỗ trợ các tàu bị hỏng máy, bị nạn trên 200 triệu đồng...

Ông Đỗ Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: Điều mà ngư dân Nghĩa An mong đợi khi gia nhập NĐNC là được tiếp thêm sức mạnh, an tâm vươn khơi bám biển. Đối với thân nhân của ngư dân gặp nạn, NĐNC đều có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Do đó, NĐNC ra đời không ngoài mục đích tạo dựng chỗ dựa vững chắc để hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, nên họ thấy NĐNC rất thiết thực.

Ngư dân Nghĩa An giờ đây không còn cảm thấy đơn độc khi hoạt động trên biển, bởi xung quanh họ lúc nào cũng có đồng đội hỗ trợ, kể cả người dân ở đất liền luôn hướng về họ trong suốt hành trình bám biển. Không chỉ được hỗ trợ về vật chất, tinh thần, ứng phó với các sự cố khi đang lao động trên biển, ngư dân vào NĐNC còn được tạo điều kiện học tập để nâng cao hiểu biết về luật pháp, được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Vì vậy, NĐNC xã Nghĩa An đã thật sự là "mái ấm” cho bà con trong những chuyến ra khơi đánh bắt thủy hải sản, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Bài, ảnh: SÔNG THƯƠNG



 


.