Hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí: Khó khăn trong xử lý

08:09, 28/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh, rất nhiều hoạt động sản xuất gây ra mùi hôi đặc trưng, phát tán ngoài không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc xác định mức độ ô nhiễm không khí và phương pháp xử lý ô nhiễm... là vấn đề khiến ngành chức năng và người sản xuất lúng túng.

Ngừng hoạt động vì gây ô nhiễm

Năm 2014, Nhà máy chế biến bột cá Hoàng Rin được xây dựng, đi vào hoạt động tại KCN Quảng Phú, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của nhà máy chưa được bao lâu thì bị người dân sống xung quanh phản ứng, vì gây ra mùi hôi thối rất khó chịu.

Nhà máy sản xuất bột cá Hoàng Rin ngừng hoạt động và chuyển đổi sang hoạt động khác, vì không xử lý được mùi hôi phát sinh trong hoạt động sản xuất.
Nhà máy sản xuất bột cá Hoàng Rin ngừng hoạt động và chuyển đổi sang hoạt động khác, vì không xử lý được mùi hôi phát sinh trong hoạt động sản xuất.


Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Hoàng Rin cho nhà máy tạm ngừng hoạt động và có giải pháp điều chỉnh công nghệ để xử lý, tránh không cho mùi hôi phát tán ra ngoài không khí. Thực hiện chỉ đạo trên, Công ty TNHH MTV Hoàng Rin đã 3 lần khắc phục, đầu tư hơn 2 tỷ đồng lắp đặt công nghệ xử lý mùi theo phương pháp ngưng tụ, nhằm hạn chế mùi hôi, nhưng vẫn không xử lý triệt để được. Vào tháng 6.2016, tỉnh đã thành lập tổ giám sát gồm đại diện các cơ quan ban ngành liên quan và cộng đồng dân cư sống xung quanh khu vực nhà máy hoạt động, để ghi nhận các vấn đề môi trường phát sinh của nhà máy thông qua các phiếu đánh giá do Sở TN&MT ban hành.

Kết quả giám sát, tổ giám sát khẳng định trong quá trình hoạt động, nhà máy có phát sinh mùi hôi gây khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Qua đó cho thấy, hệ thống xử lý môi trường của nhà máy không thể xử lý, khắc phục được mùi hôi thối phát sinh từ quá trình sản xuất. Vì thế, tháng 8.2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi có trách nhiệm yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Rin dừng các hoạt động sản xuất và chuyển đổi hoạt động sản xuất bột cá sang hoạt động khác phù hợp.

Cần rút ra bài học kinh nghiệm

Ông Võ Ngọc Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Sản xuất bột cá là hoạt động phát sinh ra mùi rất đặc trưng, vì vậy trước khi cấp phép, BQL các Khu công nghiệp cần yêu cầu doanh nghiệp lập hồ sơ môi trường và chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, BQL và doanh nghiệp đã không thực hiện đúng theo quy trình trên. Vì vậy, khi nhận được ý kiến của người dân, Sở TN&MT chỉ có thể yêu cầu doanh nghiệp thay đổi công nghệ xử lý mùi hôi, để không phát tán mùi ra không khí, chứ không thể can thiệp ngay từ đầu”.

Về việc lập tổ giám sát để kiểm tra mức độ phát sinh mùi hôi trong quá trình sản xuất của Nhà máy Hoàng Rin chứ không thể xác định, đo đạc bằng máy móc, công nghệ, ông Võ Ngọc Dũng phân tích: “Máy móc chỉ đo được một số khí, chứ không đo được toàn bộ. Đến nay, vẫn chưa có bất cứ quy định cụ thể nào về quy chuẩn, định mức đối với ô nhiễm mùi để ngành dựa vào đó phân tích, đối chiếu mức độ ô nhiễm. Vì vậy, việc xác định mùi hôi thối chủ yếu chỉ dựa vào cảm quan của đại diện các cơ quan chức năng và người dân sống gần đó”.

Không chỉ gặp khó khăn trong kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, mà ngay cả khi cấp phép cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực dễ phát sinh các mùi đặc trưng, cơ quan quản lý nhà nước cũng không có luật cụ thể để áp dụng. Luật Tài nguyên và Môi trường 2014 có quy định về vấn đề bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhưng chỉ quy định khá chung chung là: “Cơ sở sản xuất phát tán bụi, mùi, tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư”, chứ không xác định cụ thể khoảng cách bảo đảm là bao nhiêu để các cơ quan quản lý dựa vào đó áp dụng, thi hành.

Trước những khó khăn đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Võ Ngọc Dũng khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, thận trọng khi cấp phép đầu tư đối với các loại hình sản xuất dễ phát sinh mùi hôi đặc trưng; phải yêu cầu chủ đầu tư lập hồ sơ môi trường và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thì mới được cấp phép. Về phía các doanh nghiệp, chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ công nghệ xử lý môi trường, để hạn chế đến mức thấp nhất mức độ ảnh hưởng đến môi trường, mới có thể đảm bảo được lợi ích bền vững.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

 


.