Hiệu quả từ mô hình tổ phụ nữ góp vốn quay vòng

02:09, 28/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù số tiền các chị đóng góp mỗi tháng không nhiều, nhưng từ nguồn vốn huy động tổ phụ nữ góp vốn quay vòng đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục những khó khăn, thiếu thốn của chị em hội viên, phụ nữ thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức).

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đến thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đúng lúc chị em hội viên trong thôn tham gia sinh hoạt Tổ phụ nữ góp vốn quay vòng. Bà Lâm Thị Thiều (62 tuổi), tổ trưởng tổ phụ nữ góp vốn quay vòng, cho biết: Trước thực trạng hầu hết hội viên, phụ nữ trong thôn sống bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh và thường xuyên thiếu vốn, nên chị em trong thôn đã quyết định thành lập tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng. Tổ được thành lập từ năm 2004. Lúc đầu chỉ có 32 hội viên tham gia và được chia thành 3 nhóm.

Từ nguồn tiết kiệm khi tham gia tổ góp vốn quay vòng, đã giúp bà Bùi Thị Hồng Hương phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn tiết kiệm khi tham gia tổ góp vốn quay vòng, đã giúp bà Bùi Thị Hồng Hương phát triển kinh tế gia đình.


Mỗi hội viên tham gia chỉ nộp từ 20-50 nghìn đồng/tháng. Đến nay, toàn thôn đã có 12 nhóm, với 68 chị (một chị có thể tham gia nhiều chân trong các nhóm khác nhau) và số tiền cũng được nâng lên đáng kể. “Lúc đầu các chị chưa hiểu được mô hình và chưa thấy được hiệu quả, nên còn e ngại tham gia. Chính 32 hội viên tham gia vào tổ đầu tiên đã trực tiếp đi vận động chị em. Sau một thời gian thực hiện, các chị em thấy được hiệu quả do tổ mang lại, nên nhiều chị em đã mạnh dạn tham gia”, bà Thiều nói.

Thường thì mỗi tháng mỗi chị sẽ nộp số tiền từ 500 nghìn đồng đến trên 11 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm được hằng năm lên tới trên 860 triệu đồng. Những chị nào gặp khó khăn hay cần vốn thì đăng ký để được nhận tiền trước (không tính lãi). Với số tiền nhận được, các chị thường dùng để giải quyết những khó khăn trong gia đình, lúc hoạn nạn hay dùng làm vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Lãm (45 tuổi) là một điển hình. Đã 7 năm nay, chị Lãm luôn tích cực tham gia tổ góp vốn quay vòng. Lúc đầu chị tham gia một chân. Hằng tháng chị nộp số tiền 50 nghìn đồng. Đến khi các con của chị vào đại học, chị quyết định tham gia 6 chân (mỗi chân 500 nghìn đồng/tháng). Với số tiền nộp hằng tháng là 3 triệu đồng, mỗi năm chị có được số tiền 36 triệu đồng.

Chị Lãm đã dùng số tiền trên để trang trải việc học của hai con. Hằng ngày chị dùng số tiền bán cháo để lo chợ búa. Còn chồng chị đi làm thuê và kiếm được hơn 4 triệu đồng/tháng. Trong đó, chị dùng 3 triệu đồng/tháng để tham gia tổ hùn vốn. Nhờ sự tiết kiệm của cả gia đình đã giúp vợ chồng chị nuôi hai con ăn học nên người.

Thấy được hiệu quả của mô hình, nhiều chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Chị Nguyễn Thị Thu Thiều (37 tuổi), chia sẻ: Lúc đầu, tôi còn e ngại nên không tham gia, đến khi thấy nhiều chị tham gia có những chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế gia đình, nên tôi quyết định tham gia. Đến nay, chị Thiều đã tham gia vào tổ được 4 năm.

Với đặc thù là buôn bán hàng tạp hóa, nên chị Thiều đăng ký rút tiền vào tháng 11 âm lịch hằng năm. Số tiền tiết kiệm được, chị Thiều dùng để lấy hàng bán Tết. “Trước đây, khi chưa tham gia tổ góp vốn quay vòng, tôi phải mượn tiền hoặc vay nóng để có tiền lấy hàng về bán Tết. Từ ngày tham gia vào tổ góp vốn đã giúp tôi giải quyết được nguồn vốn một cách hiệu quả”, chị Thiều bộc bạch.

Chính việc tham gia tổ góp vốn đã giúp các chị có được nguồn vốn ổn định và hạn chế được tình trạng chị em phải đi vay nặng lãi ở bên ngoài. Chị Phạm Thị Thu Hường - Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Thạnh, phấn khởi: “Tuy số tiền không phải là lớn, nhưng đã giúp các chị vượt qua khó khăn, có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Đấy là tính nhân văn sâu sắc mà mô hình tổ phụ nữ góp vốn quay vòng mang lại”.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.