Hết chỉ tiêu đóng mới tàu cá: Ngư dân mất cơ hội phát triển

10:09, 22/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì đã hết chỉ tiêu, nên từ năm 2016 trở về sau, ngư dân trong tỉnh không được phép đóng mới tàu phát sinh (trừ trường hợp đóng tàu thay thế). Điều này không chỉ khiến ngư dân mất cơ hội phát triển, mà còn nảy sinh nhiều bất cập trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động của tàu thuyền...

TIN LIÊN QUAN

Người vui, kẻ buồn

Thực tế hiện nay, không ít ngư dân sở hữu đội tàu gồm nhiều chiếc có công suất khác nhau. Hướng đi này, theo ngư dân là “lợi đủ đường”. Bởi, đội tàu không chỉ giúp họ giảm chi phí, rủi ro mà còn tăng giá trị sản phẩm vì vừa đáp ứng hoạt động khai thác thủy sản, vừa cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển.

Vì vậy, dù đã có 3 chiếc tàu đang hoạt động hiệu quả, nhưng mới đây, ngư dân Phạm Trí Thức, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã kịp đăng ký và được cấp phép đầu tư đóng mới chiếc tàu vỏ thép với công suất lên đến hàng nghìn CV.

Hết chỉ tiêu đóng mới tàu, nhiều ngư dân sẽ bị vuột mất cơ hội thành lập đội tàu để mở rộng quy mô sản xuất.
Hết chỉ tiêu đóng mới tàu, nhiều ngư dân sẽ bị vuột mất cơ hội thành lập đội tàu để mở rộng quy mô sản xuất.


Trái với niềm vui của ông Thức, ngư dân Âu Xuân Tiên, xã Bình Hải (Bình Sơn) tỏ ra hụt hẫng và tiếc nuối khi biết thông tin Quảng Ngãi đã hết chỉ tiêu đóng mới tàu. Bởi, ông Tiên cho rằng, đóng mới tàu phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế và hiệu quả khai thác đánh bắt thủy sản của ngư dân, nên “khi nào có điều kiện thì đăng ký”.

Với suy nghĩ ấy, nên dù có ý định đóng thêm chiếc tàu cho “đủ cặp” để thuận lợi bám biển, nhưng ông Tiên lại đủng đỉnh, không sớm đăng ký với ngành chức năng. “Tôi nghĩ để vài phiên biển nữa, mình có thêm chút vốn, rồi mới tính chuyện đóng mới tàu. Ai ngờ lại mất cơ hội rồi”, ông Tiên cho hay.    

Không riêng gì ông Tiên, mà nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng rất bất ngờ khi biết rằng, từ nay về sau, họ chỉ được phép đóng mới tàu thay thế, chứ không được đóng mới tàu phát sinh. Bởi, phần lớn ngư dân không nắm được thông tin từ Bộ NN&PTNT về việc ấn định chỉ tiêu đóng mới tàu phát sinh ở các địa phương.

Tuy nhiên, theo ngư dân, khi thực thi chủ trương này, không chỉ đẩy họ vào tình trạng “người ăn không hết, người lần không ra”, mà còn “trói” những người làm ăn hiệu quả và có mong muốn mở rộng quy mô khai thác, đánh bắt thủy sản.

Mong được "cởi trói”

Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh được Bộ NN&PTNT phân bổ 189 chiếc tàu đóng mới phát sinh. Ngoài 79 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt (còn hiệu lực) đóng mới theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, thì số còn lại Chi cục Thủy sản đã hoàn thành việc phân bổ. Điều này có nghĩa, Quảng Ngãi đã hết chỉ tiêu đóng mới tàu phát sinh. Nhiều ngư dân trong tỉnh vì không nắm được thông tin, nên đã vuột mất cơ hội đóng mới tàu dù đã sẵn sàng phương án và nguồn lực.

Theo ông Ngô Văn Hưng- Chi cục phó Chi cục Thủy sản, chủ trương ấn định số lượng tàu được đóng mới của Bộ NN&PTNT, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội tàu đánh bắt vùng biển xa. Đó là tăng công suất, không tăng số lượng tàu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã không lường trước những bất cập nảy sinh. Nhất là tình trạng “vênh” giữa cung và cầu, ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát an toàn tàu cá, cũng như hiệu quả của công tác quản lý hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản.

“Nếu không được cấp phép đóng mới, ngư dân có nhu cầu sẽ mua tàu chui hoặc đến các địa phương khác để đầu tư đóng mới tàu. Điều này vừa tăng áp lực chi phí và rủi ro cho ngư dân, vừa khiến công tác quản lý bị chồng chéo, kém hiệu quả”, ông Hưng cho hay.

Trước những bất cập này, Chi cục Thủy sản cũng đã có văn bản đề nghị với Bộ NN&PTNT bổ sung đóng mới tàu phát sinh theo nhu cầu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Vì thực tế, đóng mới tàu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên việc ấn định trước số lượng tàu được xem là cứng nhắc, không phù hợp với xu hướng phát triển của nghề khai thác thủy sản.

Hơn nữa, “nghề biển nay được mai mất, nên muốn đóng mới tàu, ngư dân phải cân nhắc rất kỹ, chứ không phải muốn là đăng ký rồi... để dành đó. “Tôi nghĩ thay vì “trói” ngư dân như thế, Nhà nước nên xem xét khống chế số lượng tàu thuyền của một số ngành nghề hoạt động kém hiệu quả, gây tổn hại cho môi trường”, ngư dân Nguyễn Trung, xã Bình Chánh (Bình Sơn) bày tỏ.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.