Áp lực của "nông thôn mới"

06:09, 30/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, nêu con số thống kê sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới: Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 14 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí. Con số trên, có thể nói là quá “khiêm tốn” so với tổng số 164 xã trong toàn tỉnh sau 5 năm triển khai phong trào này. Có lẽ theo quy định, có những “tiêu chuẩn” mà từng địa phương không dễ gì vượt qua để chạm đích. Nhưng dù sao, sau 5 năm phấn đấu để có 14 xã đạt chuẩn đã là một tín hiệu vui rồi.

TIN LIÊN QUAN


Tuy nhiên, một thông tin khác nêu dưới đây sẽ làm nhiều người phải suy nghĩ về danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới mà 14 xã đã cán đích. Ông Huỳnh Văn Ảnh - Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận (Mộ Đức) vừa có động thái chưa từng xảy ra ở địa phương này, đó là ông đã đứng ra xin lỗi và trả lại người dân vì đã thu các khoản đóng góp bị nhầm đến 435.000 đồng/hộ. Người dân, sau phút giây choáng váng vì các khoản đóng góp “trên trời”, họ đã bình tâm và cộng tất cả các khoản lại và “tòi” ra 435.000 đồng bị chính quyền huy động nhầm! Xin được lưu ý, Đức Nhuận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, nên việc đóng góp bắt buộc lẫn tự nguyện lên đến trên chục khoản, với số tiền cộng dồn từ các năm trước là 2,3 triệu đồng/gia đình.

Chưa hết, vì cố “phấn đấu” để đạt chuẩn nông thôn mới, nên đường làng phải là bê tông xi măng, rồi trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... tất tật phải có đủ. Với một xã thuần nông, nguồn thu từ nông nghiệp không đáng là bao, nhưng để có “điện-đường-trường-trạm” như tiêu chí, không còn cách nào khác là huy động trong dân.

 
Dân thì đa số làm nông, nên không thể cùng lúc móc túi 2-3 triệu mà góp cho xã để làm đường và các công trình khác. Trong khi đó, các nhà thầu thì rất nhanh nhảu trong việc tạm ứng làm trước, địa phương thu trong dân rồi trả sau. Mà thu trong dân, như đã nói ở trên, là rất nhỏ giọt, khác nào đếm cua trong lỗ! Thế là nhà thầu ôm một cục nợ mà không biết đến bao giờ mới lấy được. Ông Ảnh nói rằng, xã Đức Nhuận hiện nay đang nợ nhà thầu các công trình xây dựng trong xã lên đến 8,7 tỷ đồng. Thầu các công trình hạ tầng nông thôn hiện nay đa số là “cò con”, nhưng ôm cục nợ 8,7 tỷ đồng như thế thì chỉ có nước sạt nghiệp, vì thu được đồng nào trong dân cũng chỉ đủ để trả lãi vay ngân hàng mà thôi.

Có lẽ Đức Nhuận, một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới không phải là trường hợp cá biệt trong chuyện nợ nhà thầu. Có không ít địa phương, vì đã trót đưa vào kế hoạch, thậm chí là nghị quyết của Hội đồng nhân dân là đến năm đó sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, nên phải làm mọi cách để đạt cho bằng được, nên nợ nhà thầu là chuyện dĩ nhiên.

Đường làng bê tông thì đi êm đấy, song vẫn còn có những ổ gà nợ nần mà việc dắt nhau ra tòa vì chuyện nợ nần là điều khó tránh khỏi. Nông thôn mới đạt chuẩn mà tối ngủ không yên vì nợ như thế là điều không nên.
                            

  TRẦN ĐĂNG
 


.