Nông dân tích cực phòng trừ dịch bệnh

10:08, 07/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đang giai đoạn đòng - trổ, nhưng hàng nghìn hécta lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã và đang bị các loại dịch bệnh gây hại, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời...

Vừa phun xong bình thuốc trừ bệnh khô vằn, ông Trần Ni, thôn Đồng Xuân, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) lại đi vạch gốc lúa để... đếm rầy! “Tôi mới phun thuốc diệt rầy và chữa bệnh chết cây, nên phải xem thử nó thế nào. Nếu bệnh không giảm thì mình tăng thuốc, chứ không là lúa cháy hết”, ông Ni giải thích.

Theo lời lão nông này thì, hiếm có vụ sản xuất nào mà ruộng lúa lại bị các loại dịch bệnh đồng loạt tấn công như vụ hè thu năm nay. Trong khi bệnh khô vằn, chết cây chưa kịp dứt thì rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn xuất hiện khiến đám lúa đang xanh tốt bỗng chốc xơ xác chỉ sau một đêm. Trong khi đó, nông dân huyện Mộ Đức cũng điêu đứng vì hàng nghìn hécta lúa bị bệnh khô vằn và rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại.

Nông dân tích cực phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo thắng lợi vụ lúa hè thu.
Nông dân tích cực phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo thắng lợi vụ lúa hè thu.


Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), so với vụ hè thu năm 2015 thì năm nay, số diện tích lúa bị bệnh gây hại tăng mạnh. Đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có trên 2.600ha lúa bị nhiễm các bệnh chết cây, khô vằn, sâu cuốn lá, rầy nâu - rầy lưng trắng và chuột gây hại.

Đặc biệt, sự xuất hiện đồng thời của bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ rất dễ khiến nông dân chủ quan trong việc phòng trừ. Bởi, nông dân thường ưu tiên và tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn vì cho rằng nó gây hại hơn mà “quên” sâu cuốn lá nhỏ. Trong khi đó, nếu bệnh sâu cuốn lá nhỏ không được khống chế và diệt trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng lúa.
 

Theo khuyến cáo của Chi cục TT&BVTV, nếu phát hiện sâu cuốn lá nhỏ có mật độ 20con/m2 trở lên, nông dân nên dùng các loại thuốc như Proclaim1,9EC, Jubilant500EC, Dylan2,0EC, Ammate150SC, Prevathon5EC...  để diệt trừ. Đối với bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông thì sử dụng các loại thuốc Fuji-One40EC, Beam75WP, Ninja35EC, Filia525SE...  để diệt trừ. Bệnh khô vằn có thể diệt trừ bằng một trong các loại thuốc Valydacin3SL, Anvil5SC... Bệnh chết cây có thể phòng trừ bằng các loại thuốc Bonny4SC, Starne50WP, Champion50WP... Đối với rầy, nếu mật độ từ 2-3 con/dảnh lúa thì dùng một trong các loại thuốc sau: Chess50WG, Azorin400WP, Imitox700WG, MapArow420WP... Sau khi phun thuốc 5-7 ngày, nếu mật độ sâu cuốn lá nhỏ, rầy còn cao thì tiếp tục phun lại lần 2.

Theo ông Phạm Bá - Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV thì: “Nguyên nhân nhiều loại dịch bệnh xuất hiện cùng lúc là do điều kiện thời tiết thuận lợi”.

Ngoài ra, ông Bá cho rằng việc nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật khi phun thuốc diệt trừ, cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh nhanh chóng bùng phát và lây lan.

Ví dụ khi phun thuốc diệt rầy, nông dân thường tự ý tăng nồng độ, liều lượng của thuốc mà lại giảm lượng nước; không chịu vạch lúa thành từng băng rộng để phun thuốc tập trung vào phần gốc (nơi ở của rầy) mà lại phun sơ sài ở phần ngọn. Điều này khiến rầy không chết, lại kháng thuốc nên càng sinh sản mạnh, tốc độ lây lan vì thế cũng càng nhanh.

“Đã thế, thay vì phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, thì nông dân lại phun vào lúc nắng nóng nên rầy không những không chết, mà lại khiến cây lúa bị bệnh lem lép hạt”, ông Bá cho hay.

Để phòng trừ dịch bệnh, bên cạnh việc cắt cử cán bộ kỹ thuật túc trực ở các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng để hướng dẫn bà con nông dân quy trình, biện pháp diệt trừ thì Chi cục TT&BVTV cũng đã đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn cũng như các HTX đôn đốc nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng.

Theo ông Phạm Bá thì: “Để đảm bảo hiệu quả diệt trừ dịch bệnh, nông dân phải sử dụng đúng những loại thuốc mà ngành chuyên môn đã hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để tránh những thiệt hại không đáng có do tác dụng phụ của thuốc gây ra”.
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.