Khởi sắc kinh tế nông, lâm nghiệp

08:08, 12/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ba Tơ là huyện vùng cao, sản xuất nông, lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong sản xuất. Thế nhưng, bằng quyết tâm và xem đó là nhiệm vụ chính trị lớn, huyện Ba Tơ đã cụ thể hóa hành động bằng những kết quả rất khả quan.

TIN LIÊN QUAN

Ngành kinh tế mũi nhọn

Những năm qua, huyện Ba Tơ đã mạnh dạn đẩy mạnh các mô hình phát triển nông lâm nghiệp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao áp dụng vào địa phương. Sau nhiều năm kiên trì đầu tư đúng định hướng, tình hình KT-XH của huyện đã có những bước chuyển tích cực. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị sản xuất ước đạt 532,51 tỷ đồng. Riêng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 331,31 tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng giá trị sản xuất toàn huyện.

Máy gặt đập liên hợp được đưa vào sử dụng trên đồng ruộng ở huyện Ba Tơ trong vụ đông xuân 2015-2016.
Máy gặt đập liên hợp được đưa vào sử dụng trên đồng ruộng ở huyện Ba Tơ trong vụ đông xuân 2015-2016.


Theo ông Phạm Giang Nam- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, huyện đang triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mới như: Trồng cây keo giống nuôi cấy mô tại xã Ba Thành; đậu Hà Lan tại xã Ba Tiêu và Ba Xa; cải tiến kỹ thuật trồng lúa nước tại Ba Giang; trồng mây nước, sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ tại xã Ba Trang...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện triển khai cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân chăm sóc trâu tại mô hình cải tiến đàn trâu, chăn nuôi bò sinh sản hộ gia đình và mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng. Ngoài ra còn trình diễn các mô hình: Trồng cỏ nuôi bò sinh sản, gà thả vườn, nuôi lươn sạch, chuyển đổi trồng cây đậu phụng trên đất lúa thiếu nước hè thu, trồng cây chôm chôm, tiêu ở Ba Lế.

“Ngành nông nghiệp đang đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu chung của huyện. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp với diện tích rừng trồng tập trung ước đạt hơn 2.200ha, chủ yếu là rừng sản xuất. Lượng gỗ khai thác trong 6 tháng đầu năm đạt trên 200 nghìn mét khối. Trong vài năm trở lại đây, cây keo, cây mì đã mở ra hướng thoát nghèo cho người dân huyện nhà”, ông Nam cho biết.

Đưa cơ giới vào đồng ruộng

Để đẩy mạnh quá trình sản xuất, tăng nguồn thu từ nông nghiệp, tạo tiền đề cho công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả, mới đây huyện Ba Tơ đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Theo đề án đặt ra, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8 – 9%. Trong đó, nông lâm nghiệp tăng từ 6 - 7% và chiếm từ 52 - 54% trong cơ cấu kinh tế của huyện; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm 5-7%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia. Đồng thời, nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 71,73% năm 2015 lên 75% vào năm 2020; giá trị sản xuất đất lâm nghiệp đạt 85 triệu đồng/ha/chu kỳ; giá trị sản xuất đất nông nghiệp 35 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đầu tư, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, huyện Ba Tơ cũng đẩy mạnh việc cơ giới hóa trên đồng ruộng, để dần xóa bỏ cách làm thủ công kém hiệu quả hiện nay và giải phóng sức lao động cho người dân ở các khâu như thu hoạch lúa, máy tuốt gắn động cơ, máy băm để làm đất.

 Theo ông Phạm Giang Nam, bước đầu việc áp dụng phương tiện cơ giới vào trong sản xuất nông nghiệp đã cho những kết quả thiết thực. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, ruộng bậc thang nhiều cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc đưa phương tiện máy móc vào sản xuất.

Dù vậy, trong kế hoạch triển khai thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, huyện xác định phải tăng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất đối với các loại cây trồng chính như lúa, mía, mì, bắp, ngô... để  đến năm 2020 chỉ tiêu cơ giới hóa đối với cây lúa đạt từ 30 – 70% trong các khâu làm đất, gieo trồng, cấy, chăm sóc, tưới tiêu; đối với cây mía từ 50 – 70% trong các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch; đối với cây mì từ 20 – 45% và các loại cây ngô, lạc từ 30- 70% trong các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Bài, ảnh: NGỌC QUANG

 


.