Độc đáo nghề "bẫy mực" của ngư dân bãi ngang

02:08, 19/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Chỉ với những chiếc bóng giống như chiếc lồng được làm bằng tre thả chìm dưới đáy biển ngư dân ở các xã bãi ngang ven biển Mộ Đức đã có thể dụ được mực... vào trú ngụ để đánh bắt. Với cách thức đánh bắt đơn giản này, đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều ngư dân vùng biển.
 
 
Mới tầm 5 giờ sáng nhưng đã có hàng chục ghe máy loại 10- 15 CV của người dân vùng bãi ngang ven biển Đức Minh nổ máy trực chỉ hướng biển để “thu hoạch” mực từ những chiếc bóng đã được ngư dân thả trước đó ở dưới biển. 
 
Ngư dân Huỳnh Giỏi ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh cho biết: Nghề bẫy mực lá bằng bóng là nghề truyền thống có từ lâu đời của ngư dân chúng tôi ở đây. Việc đánh bắt mực lá bằng bóng diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Vị trí thả bóng nằm cách bờ khoảng 3- 5 hải lý, có mực nước sâu từ 20-25m. 
 
“Một thuyền đi đánh mực thường có hai người, số lượng bóng thả thông thường từ 40-60 cái/ghe. Sau khi thả bóng xuống biển, đều đặn vào sáng sớm mỗi ngày, ngư dân lại chạy ghe ra kéo bóng lên kiểm tra. Có mực thì mang về, thả bóng trở lại, hôm sau kiểm tra tiếp”- ông Giỏi cho hay. 
 
Hầu hết các ngư dân đều biết tự làm ra những trái bóng để bắt mực
Hầu hết các ngư dân đều biết tự làm ra những chiếc bóng để bắt mực.
 
Ngư dân mang bóng ra biển để thả dụ mực
Ngư dân mang bóng ra biển để thả dụ mực.
 
Qua quan sát của chúng tôi, những chiếc bóng dùng để “bẫy mực” được làm khá đơn giản. Thực ra, nó chỉ là những chiếc lồng được đan bằng tre, phía bên trên buộc lá cây đùng đình phơi khô, cửa lồng bẫy có hom giống như miệng lờ, để khi mực vào lồng bẫy không thoát ra được. Tuổi thọ của mỗi chiếc bóng khoảng 1 tháng. 
 
Kết cấu của một trái bóng đánh mực tuy đơn giản, nhưng khi thả xuống biển lại phải tuân thủ chính xác từng công đoạn: buộc dây, buộc đá, buộc mồi. Một bóng đánh mực được buộc vào khoảng hơn 20- 25m dây thừng to, tùy theo độ sâu của khu vực thả. Đoạn dây cách miệng lồng chừng 5m được buộc vào một hòn đá tảng, giúp bóng chìm nhanh và nằm ổn định dưới đáy biển. Và phía trên cùng đoạn dây là một tấm phao xốp, có tác dụng đánh dấu điểm thả lồng...
 
Nghề thả bóng ven bờ trước đây phát triển rất mạnh và là nghề khai thác mực có hiệu quả. Nhưng hiện nay nghề này chỉ còn tồn tại ở xã Đức Minh, Đức Chánh (Mộ Đức), Bình Hải (Bình Sơn), các địa phương khác ở Quảng Ngãi hầu như không còn nghề này nữa.
Để bẫy mực thì phải có mồi. Mồi “dụ” mực vào bóng là trứng mực lá, hoặc là bông y tế có màu trắng gần giống với trứng mực, được buộc lại thành từng chùm rồi cột trong mỗi chiếc bóng thả dưới biển để "dụ" mực lá đến đẻ trứng vào mùa sinh sản. 
 
“Cách dùng mồi “giả” bằng bông y tế cũng "dụ" được mực nhưng hiệu quả không cao bằng dùng trứng mực thật, tuy nhiên, do khó kiếm được trứng mực đủ cho số lượng hàng chục chiếc bóng thả dưới biển, nên hầu hết ngư dân dùng cách này để làm mồi "dụ" mực là chủ yếu.
 
Đây là thời gian mực lá vào gần bờ để sinh sản, nên mực lá cứ thấy trứng trong bóng là chui vào sinh sản rồi ở trong đó không thoát ra ngoài được, chúng tôi chỉ việc kéo lên và bắt”- ngư dân Huỳnh Văn Hòa ở xã Đức Minh chia sẻ. 
 
Những phụ nữ vùng bãi ngang ven biển vào mùa
Những phụ nữ vùng bãi ngang ven biển vào mùa "săn" mực lá thường phụ giống chồng đan "bẫy" mực

 

So với nghề biển khác, nghề “bẫy” mực lá là nghề nhẹ nhàng nhất bởi không tốn chi phí nhiều mà lại thu lợi được cao. Tùy theo số lượng bóng, vị trí thả và "hên, xuôi" mà số lượng mực về mỗi ngày khác nhau. Nhiều ngư dân “trúng mánh”, mỗi ngày có thể  kiếm được tiền trăm, thậm chí tiền triệu từ những chiếc lồng "bẫy mực.

"Với hơn 50 chiếc bóng thả xuống biển, mỗi ngày tôi thu bình quân từ 2-3kg mực lá. Hiện tại giá mực lá khoảng 200 nghìn đồng- 220 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ngày cũng kiếm được 400- 600 nghìn đồng/ngày”- ngư dân Huỳnh Văn Hòa tiết lộ. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù hiệu quả kinh tế mang lại từ cách đánh bắt này mang lại khá cao, thế nhưng trong những năm gần đây cách đánh bắt truyền thống này của bà con ngư dân bãi ngang đang bị "đe dọa" vì lực lượng tàu giã cào hành nghề gần bờ. Bởi, mỗi khi tàu giã cào hành nghề đi qua thì công cụ “kiếm cơm” hàng ngày những chiếc bóng, những tấm lưới... trị giá hàng chục triệu đồng mà họ vất vả mới sắm được, liên tục bị mất hoặc hư hỏng.
 
"Mỗi chiếc lồng "bẫy mực" chúng tôi làm ra rất mất công sức và tiền bạc, bình quân một chiếc bóng có giá 70 nghìn đồng/chiếc. Thế nhưng chẳng may gặp tàu giã cào đi qua là mất sạch. Để ngư dân yên tâm đánh bắt phát triển kinh tế thì các cấp chính quyền cũng cần có những biện pháp ngăn chặn đối với tàu giã cào đánh bắt không đúng khu vực quy định, làm ảnh hưởng đến cách đánh bắt truyền thống của những ngư dân vùng bãi ngang”- ngư dân Phan Lộc ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh bức xúc. 
 
B.Ngọc

.