Doanh nghiệp và "gánh nợ" tài chính

10:08, 04/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) đã gây không ít khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) hoạt động trên lĩnh vực này. Mặc dù nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp, song vấn đề “giải” nợ vẫn đang hết sức gian nan.

TIN LIÊN QUAN

DN lao đao vì nợ

Đối với những DN có thương hiệu, việc chủ đầu tư nợ gần 1 tỷ đồng trong XDCB là... chuyện nhỏ. Nhưng với DN Ngọc Vũ, trụ sở đóng tại xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đây lại là vấn đề lớn. Đặc biệt, những năm gần đây, việc tìm kiếm công trình, dự án để duy trì hoạt động của các công ty xây dựng nhỏ như Ngọc Vũ đang lâm vào cảnh khó khăn.

Chợ Đồng Quán, xã Tịnh Trà đã bàn giao từ lâu, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn còn nợ DN.
Chợ Đồng Quán, xã Tịnh Trà đã bàn giao từ lâu, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn còn nợ DN.


“Cho đến nay, số tiền chủ đầu tư là UBND xã Đức Nhuận đã nợ DN trên 1 tỷ đồng, nhưng chưa biết đến bao giờ họ mới thanh toán hết. Trong khi đó, nợ ngân hàng đến hạn phải trả, không thể trì hoãn. Đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Trong khi chờ đợi thanh toán từ chủ đầu tư, Công ty Ngọc Vũ đành phải xin tạm dừng hoạt động”, ông Nguyễn Quốc Vũ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Vũ chia sẻ.

Cùng với Công ty Ngọc Vũ, câu chuyện nợ XDCB của Công ty TNHH Thành Đạt Tiến, trụ sở đóng tại xã Đức Tân (Mộ Đức) cũng đang là chuyện thời sự của khá nhiều DN hiện nay. Bởi vấn đề này đã diễn ra trên địa bàn tỉnh từ khá lâu. Thậm chí, có những khoản kéo dài nhiều năm, khiến không ít DN... nản lòng.

Nguyên nhân dẫn đến những khoản nợ này, trước hết xuất phát từ việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhiều chủ đầu tư đã đồng loạt triển khai "nóng" nhiều dự án, trong khi nguồn đầu tư thì hạn hẹp, dẫn đến nợ.

Bên cạnh đó, những năm gần đây Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt đầu tư công, kiềm chế lạm phát... nên dẫn đến mất cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, nhiều công trình thuộc ngân sách cấp huyện, xã dự kiến bố trí nguồn thu tiền sử dụng đất, nhưng thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài, chưa kịp phục hồi nên khó có nguồn. Ngoài việc trông chờ, ỷ lại nguồn vốn bổ sung, còn có tình trạng vốn được ưu tiên trả nợ lại chuyển tiếp sang những công trình dang dở, thậm chí là khởi công công trình mới...

Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 114 DN đăng ký tạm nghỉ hoạt động, 162 DN ngừng hoạt động; trong đó, có 73 DN xây dựng tạm nghỉ hoặc ngừng hoạt động. Như vậy, con số DN xây dựng đang bị “khai tử” là không hề nhỏ.

Cần sự trợ lực

Khoảng 5 năm trở lại đây, các DN hoạt động ở lĩnh vực xây dựng đã trải qua nhiều khó khăn, thiếu việc làm, doanh thu sụt giảm. Thậm chí có nhiều DN ngưng hoạt động. Đối với các DN nhỏ, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới như "phao cứu sinh”. Nhưng, thực tế chiếc phao này lại dẫn DN đến bên bờ phá sản. Chỉ DN nào có khả năng tài chính dồi dào, năng lực tìm kiếm khách hàng tốt thì mới có thể trụ vững.

Với nhiều chính sách mở như hiện nay, việc thành lập một DN là vô cùng đơn giản. Do đó, rất ít DN vốn tự có dồi dào, mà chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay. Vậy nên, chỉ cần một công trình giá trị vài tỷ đồng, nợ đọng dây dưa kéo dài một, hai năm là coi như DN "ngồi trên lửa", vì bị đè nặng bởi lãi suất ngân hàng. Rồi có khi kéo theo một dây chuyền nợ nần khác như nợ thuế, nợ vật liệu xây dựng, nợ nhân công...

Biết vậy, nhưng nhiều DN vẫn tiếp tục nhận thầu trong khi gói thầu trước còn bị nợ. Lý giải về điều này, các DN cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, việc cạnh tranh làm ăn là rất khốc liệt. Trong khi đó, DN xây dựng mọc lên ngày càng nhiều nên thị phần bị xé nhỏ. Hơn nữa, DN nghĩ rằng, chương trình mục tiêu quốc gia, làm gì đến nỗi thiếu vốn?...

“Một khi nợ kéo dài, không có tiền trả lãi, DN đành phải tạm ngưng hoạt động, giải thể tự nguyện... Đây là một trong những nguyên nhân khiến DN xây dựng rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” ngày càng nhiều. Vì vậy, mong rằng UBND tỉnh, huyện cần có các chính sách trợ lực, nhanh chóng giải ngân vốn XDCB, giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển", ông Nguyễn Quốc Vũ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Vũ kiến nghị.  
         

Bài, ảnh: AN NHIÊN

 


.