Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dăm gỗ gặp khó

02:08, 03/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chế biến và xuất khẩu dăm gỗ. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn...

TIN LIÊN QUAN

Hơn 3 tháng nay, dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến dăm gỗ của Công ty TNHH Tam Minh ở KKT Dung Quất phải tạm ngừng hoạt động, chuyển qua kinh doanh ngành nghề khác. Nguyên nhân là do, thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như giá cả xuất khẩu xuống quá thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Lưu Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Tam Minh cho biết: Mặc dù hiện tại công ty vẫn sản xuất, xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng hiệu quả kinh tế không có, thậm chí có thể dẫn đến thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Nguyên nhân là do Trung Quốc ép giá xuống thấp. Giá trị xuất khẩu giảm sâu từ 10 – 15 USD/tấn dăm khô, làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Hoạt động xếp dỡ, vận chuyển và xuất khẩu dăm gỗ ở cảng Gemadept Dung Quất Ảnh: P.Danh
Hoạt động xếp dỡ, vận chuyển và xuất khẩu dăm gỗ ở cảng Gemadept Dung Quất Ảnh: P.Danh


Còn ông Lê Hoàng Long - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành Lưu cho biết: Việc chế biến dăm gỗ của Công ty Kim Thành Lưu cũng như các DN ở KKT Dung Quất gặp một số khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp keo chưa đủ tuổi dân đã khai thác bán, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Do thị trường xuất khẩu hiện phụ thuộc lớn vào các đối tác ở Trung Quốc nên còn nhiều bấp bênh. Một vấn đề nữa là, số lượng nhà máy dăm mọc lên rất nhiều, nên các DN phải cạnh tranh quyết liệt về thị trường, nguyên liệu...
 

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ ở Quảng Ngãi chỉ xuất khẩu khoảng 830 ngàn tấn, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, giá cả thị trường luôn bấp bênh. Nếu như năm 2015 về trước, giá một tấn dăm gỗ giao động từ 137 – 140 USD, thì nay chỉ còn khoảng 125 – 128 USD.

Hiện nay, sản phẩm dăm gỗ của Quảng Ngãi chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một phần Hàn Quốc, Nhật Bản. Giá cả phụ thuộc rất lớn vào các đối tác, dẫn đến bất cập là bị đối tác ép giá vì cho rằng, gỗ dăm xuất khẩu không đạt chất lượng.

Đây chính là nguyên nhân khiến giá nguyên liệu hạ xuống thấp, làm cho nhiều DN chế biến gỗ thua lỗ, cũng như ảnh hưởng đến việc trồng và khai thác gỗ keo nguyên liệu của nông dân.

Bên cạnh đó, thời gian qua có quá nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ mọc lên trên địa bàn tỉnh (hiện toàn tỉnh có 26 nhà máy cùng ngành nghề chế biến dăm gỗ - PV), dẫn đến xuất hiện tình trạng cạnh tranh mua, bán không lành mạnh, khiến các DN rơi vào cảnh khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Điều này đã đẩy nhiều nhà máy đứng bên bờ vực phá sản, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Một vấn đề khác cũng làm “đau đầu” các DN là, tình trạng người dân bán keo non, chỉ trồng 3 - 4 năm là khai thác, dẫn đến kém chất lượng làm cho giá thành xuất bán thấp.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã từng khuyến cáo, cần phải mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, bởi việc lệ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc sẽ không ổn định. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có DN nào làm được. Giá dăm gỗ trên thị trường liên tục bấp bênh cộng với việc từ đầu năm đến nay, DN phải chịu mức thuế xuất khẩu thêm 2%, nên ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu vốn đã khó lại càng khó khăn hơn...

Bài, ảnh: P.Danh-T.Thư

 


.