Sản vật miền núi tăng giá: Lo nhiều hơn vui

08:07, 26/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, nhiều sản vật ở miền núi tăng giá đã góp phần mang lại thu nhập, cho đồng bào vùng cao còn lắm khó khăn. Tuy nhiên, với thực trạng nhiều người đổ xô săn lùng, ồ ạt khai thác “lộc rừng” gây nên nỗi lo ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của rừng, nguy cơ mất nguồn gen quý tự nhiên.

“Lộc rừng” tăng giá

Sâm cau có vỏ màu đỏ, phần thịt màu trắng, có vị thơm, là một trong những sản vật của miền núi, chỉ sống ở những vùng đất cao, khí hậu mát mẻ. Ở tỉnh ta, sâm cau mọc nhiều ở vùng miền núi Sơn Tây, rải rác ở các xã như Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Long... Sâm cau được xem là loại dược liệu có nhiều tác dụng, nên thời gian qua, sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng.

Sâm cau là một loại dược liệu quý chỉ mọc ở miền núi, cần được bảo vệ trước sự khai thác ồ ạt.
Sâm cau là một loại dược liệu quý chỉ mọc ở miền núi, cần được bảo vệ trước sự khai thác ồ ạt.


Bà Phạm Thị Hương, ở xã Sơn Dung (Sơn Tây)- người bán sâm cau vài năm qua cho hay: Thời gian đầu, sâm cau chỉ có 30 nghìn đồng/kg, nhưng những năm gần đây, sâm cau “hút” người mua, nên sâm cau tươi có giá 50 nghìn đồng/kg, còn sâm cau xắt lát, phơi khô có giá 200 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, rượu sâm cau có giá 100 nghìn đồng/lít. Đây là loại rượu dầm sâm cau khoảng 4 - 5 tháng, được tiêu thụ mạnh vào dịp trước Tết hằng năm.
 

Trong số những sản vật miền núi, hạt ươi có nhiều tác dụng bổ ích cho sức khỏe. Hạt ươi khô chỉ cần ngâm nước nguội, nở bung ra, uống có vị ngọt nhẹ, giúp giải nhiệt. Năm 2014, hạt ươi có giá từ 250 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/kg đã khiến nhiều người ồ ạt lên rừng “săn” ươi. Và không chỉ nhặt ươi chín, rụng xuống đất (còn gọi là ươi bay), nhiều người còn sử dụng các dụng cụ để hái ươi non.

Ngoài sâm cau, bà Hương còn bán rễ khỉ, hà thủ ô đều có giá 50 nghìn đồng/kg tươi, 200 nghìn đồng/kg khô, chỉ có mật nhân dùng để trị các bệnh về khớp, dạ dày là rẻ hơn, với giá 25 nghìn đồng/kg tươi. Theo bà Hương thì, các loại cây này đều được đồng bào đào ngoài tự nhiên, vì  chưa trồng được. So với thời gian trước, việc khai thác ngày càng khó khăn hơn, vì phải đi vào rừng sâu.

Cần định hướng bảo tồn, phát triển

Theo ông Đinh Quang Ven- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây thì, hiện nay người dân khai thác sâm cau, đẳng sâm, mật nhân, hà thủ ô... theo hướng tự phát, tận diệt. Điều này không chỉ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên của rừng, mà còn gây nên nguy cơ mất nguồn gen quý.

Vừa qua, UBND huyện Sơn Tây đã giao Trạm Khuyến nông huyện chủ trì, nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện tham mưu UBND huyện bảo tồn vào phát triển các loài cây dược liệu có giá trị trên địa bàn. Xem xét, đề xuất triển khai các mô hình trồng cây dưới tán rừng như cây ba kích, nghệ, gừng, tiêu, chuối... nhằm chuyển giao cho người dân sản xuất, nâng cao đời sống.

Đồng thời, tham mưu UBND huyện có văn bản đề nghị UBND tỉnh bổ sung danh mục mô hình vào đề án khuyến nông huyện Sơn Tây, định hướng đến năm 2020. Ông Đinh Quang Ven - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết thêm, bên cạnh những sản vật miền núi ngoài tự nhiên, huyện khuyến khích người dân đầu tư nuôi heo đen, gà Re để gìn giữ nguồn gen vật nuôi bản địa.


Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.