Loay hoay với bài toán giải quyết nợ đọng trong xây dựng NTM

11:07, 16/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- 5 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Nhưngở nhiều nơi, sau việc xã đạt chuẩn NTM, người dân vẫn canh cánh bên mình nỗi lo không biết bao giờ mới hết đóng góp tiền hằng năm để trả nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Xã NTM nào cũng nợ!
 
Xã Bình Dương (Bình Sơn) là xã đầu tiên cán đích xã NTM của Quảng Ngãi vào năm 2014. Trong 5 năm triển khai xây dựng NTM 2011-2015, Bình Dương đã xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí 71 tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước và huy động mọi nguồn lực.
 
Từ đây, các công trình nhà văn hóa, trụ sở làm việc, khu trung tâm thể thao, trường học, đường giao thông khang trang, vững chắc được ra đời. Diện mạo của Bình Dương thay đổi rõ rệt so với những năm trước.

 

Qua 5 năm thực hiện xây dựng NTM, Bình Dương được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang và là địa phương cán đích NTM đầu tiên của Quảng Ngãi
Qua 5 năm thực hiện xây dựng NTM, Bình Dương được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang và là địa phương cán đích NTM đầu tiên của Quảng Ngãi.
 
Người dân địa phương chưa hết mừng vui vì điện, đường, trường, trạm… nay đã được quan tâm đầu tư, thì lại “đau đầu” với những khoản đóng góp mỗi năm để trả nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Đến nay, xã Bình Dương vẫn còn nợ các đơn vị thi công số tiền khoảng 3,4 tỷ đồng. Trong đó, số nợ do thi công các công trình giao thông chiếm 2,8 tỷ đồng. Đây là gánh nặng của người dân lẫn chính quyền.
 
Ông Lê Minh Chính- Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương cho biết: Trước khi xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng để phấn đấu đạt đủ 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã đã thương thảo với các đơn vị thi công là cho nợ, và xã sẽ huy động nhân dân đóng góp trả dần theo từng năm. Hiện, mỗi người dân trong độ tuổi lao động trong xã đều phải đóng số tiền 130 nghìn đồng/năm. Tính tổng thì mỗi năm xã sẽ có khoảng 350-400 triệu đồng để trả dần số nợ 3,4 tỷ đồng.
 
“Ngoài khoản tiền do nhân dân đóng góp trên thì xã không còn khoản nào để tập trung trả số nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính chi tiết thì phải mất 10 năm nhân dân địa phương mới góp đủ tiền để trả số nợ đọng này. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của người dân và về lâu dài thì chính quyền sẽ gặp khó khăn trong việc huy động nhân dân để đầu tư những công trình khác khi cần thiết”- ông Chính chia sẻ.
 
Còn ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), sau khi hoàn thành 19 tiêu chí NTM, hiện số nợ đọng ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã là 10,5 tỷ đồng. Trong đó, cấp xã đang gánh 2,3 tỷ đồng tiền nợ đọng. Ông Trương Văn Lệ- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm lý giải: Số tiền nợ của tỉnh, huyện là do ngân sách đưa về còn thiếu. Với xã thì do nguồn kinh phí còn khó khăn, sức dân cũng có hạn nên vẫn chưa thể trả.

Không riêng xã Bình Dương và Nghĩa Lâm, mà rất nhiều địa phương khác đã cán đích hoặc đang phấn đấu cán đích NTM cũng rơi vào tình trạng có nợ đọng xây dựng cơ bản chương trình MTQG xây dựng NTM. Theo thống kê của Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM, tính đến cuối tháng 1.2016, tổng kinh phí nợ đọng xây dựng cơ bản của các xã trên địa bàn tỉnh là 234,8 tỷ đồng. Trong đó, 11 xã đã đạt chuẩn NTM có số sợ đọng lên đến 112,8 tỷ đồng.

 
Tìm cách giải quyết nợ đọng
 
Để xảy ra tình trạng địa phương NTM nào cũng đang phải gánh số nợ đọng khá lớn, là do việc thu ngân sách của các huyện, xã hạn chế nhưng nhu cầu đầu tư để đạt chuẩn NTM lớn, các địa phương không tự cân đối được nguồn đối ứng từ ngân sách và huy động khác. Nhiều huyện, xã gặp khó khăn trong huy động nguồn lực ngoài ngân sách, lại có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách cấp trên.
 
Một căn nguyên khác dẫn đến nợ đọng là nhiều địa phương “vung tay quá trán” dù không có đủ nguồn lực. Trên thực tế, nhiều xã nghèo vẫn mạnh tay xây trung tâm thể thao, chợ, nhà văn hóa… trị giá nhiều tỷ đồng để đạt một số tiêu chí trong xây dựng NTM.
 
Ông Trần Thiên Thanh- Trưởng phòng NN&PTNNT huyện Tư Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm: Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng lớn một phần là do nhiều xã chi tiền quá lớn vào một số công trình. Ví dụ cụ thể, thay vì chỉ cần xây khu chợ trung tâm xã với kinh phí 700 triệu -1 tỷ đồng đã đạt tiêu chí về chợ NTM thì nhiều địa phương lại lên kế hoạch xây với kinh phí đến 3-4 tỷ đồng.

 

Việc sớm trả nợ đọng xây dựng cơ bản giúp người dân giảm bớt gánh nặng đóng góp tiền hằng năm và được hưởng những lợi ích chính đáng từ một chính sách nhân văn
Việc sớm trả nợ đọng xây dựng cơ bản giúp người dân giảm bớt gánh nặng đóng góp tiền hằng năm và được hưởng những lợi ích chính đáng từ một chính sách nhân văn
 
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện một số giải pháp để sớm khắc phục tình trạng nợ đọng. Trong đó, yêu cầu các địa phương có kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng; xây dựng phương án xử lý nợ đọng cụ thể bằng các nguồn vốn hợp pháp…
 
Hiện một số địa phương cũng đang nỗ lực kiến nghị các giải pháp lên cấp trên để có kế hoạch trả nợ trong thời gian sớm nhất. Như ở xã Bình Dương, ngoài số tiền nhân dân đóng góp hàng năm, chính quyền xã đang kiến nghị được thực hiện giải pháp “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”.
 
“Xã đã đề nghị cấp trên giao cho xã được làm chủ đầu tư đối với các dự án khu dân cư quy mô nhỏ để lấy kinh phí trả nợ từ nguồn thu tổ chức đấu giá đất của các đơn vị có ý định đầu xây dựng tại các khu dân cư này. Chỉ như vậy thì xã mới có thể trả nợ trong thời gian sớm”- Ông Lê Minh Chính- Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương cho hay.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều địa phương khác cũng đang xin chủ trương thực hiện cách “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” để trả nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, các địa phương này cũng ưu tiên những khoản ngân sách nhàn rỗi để tập trung trả nợ.
 
Hiện tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục tích cực phấn đấu đưa 10 đến 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục đích cuối cùng của việc xây dựng xã NTM là vì lợi ích lâu dài của người dân địa phương. Chính vì vậy, cần phải sớm giải quyết nợ đọng để giảm bớt gánh nặng cho người dân và tạo điều kiện cho họ an nhiên thụ hưởng những lợi ích xứng đáng từ chính sách nhân văn này.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.