Làng mới trên nông trường cũ

02:07, 08/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Tân Hưng, thuộc xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) được UBND tỉnh ra quyết định thành lập từ đầu năm 2016. Đây là làng mới được hình thành trên đất của Nông trường 25/3 giải thể từ năm 1992. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, đến nay làng Tân Hưng đã đi vào ổn định, khởi sắc, không ngừng vươn lên hòa nhập với nhịp sống mới.

Một thời lao đao

Ông Phan Quang Chung - Trưởng thôn Tân Hưng - người gắn bó với nông trường ngay từ những ngày mới thành lập kể lại: Dưới thời bao cấp, giai đoạn từ 1976 - 1986 là thời kỳ thịnh vượng nhất của Nông trường 25/3, với số lượng công nhân lên tới hơn 200 người. Nông trường chuyên trồng dứa để xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu.

Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, không xuất khẩu dứa được nữa, trong khi không thể tiêu thụ hết ở thị trường nội địa, nên nông trường đã chuyển một phần diện tích sang trồng tiêu.

 

 Vườn tiêu của ông Phan Quang Chung cho thu nhập cao.
Vườn tiêu của ông Phan Quang Chung cho thu nhập cao.


Có thời điểm nông trường đã phát triển lên đến 40ha tiêu. Nhờ cây tiêu mà nông trường đã trụ vững, nhưng đến năm 1992 thì giải thể để chuyển sang thực hiện dự án của tỉnh là thành lập khu kinh tế mới trên đất nông trường. Khi đó, đa số công nhân của nông trường đã hưởng theo chế độ nghỉ việc một lần để về quê hoặc chuyển sang các ngành khác. Chỉ còn khoảng 30 hộ đã có gia đình, vợ con, nên tự nguyện ở lại với mảnh đất này cùng với 35 hộ ở các thôn khác giãn dân lên đây xây dựng kinh tế mới.

Đến năm 1993, khu kinh tế mới này được sáp nhập vào Công ty chế biến thực phẩm Vitex, thuộc Tổng công ty rau quả Việt Nam. Chủ trương hồi đó của Công ty là phát triển nơi đây thành vùng trồng các loại cây ăn quả để chế biến thành nước giải khát. Theo đó, tất cả người dân ở đây lao vào trồng các loại cây như xoài, ổi, chanh dây, bí đỏ, măng tre bát độ...

Tuy nhiên, những loại cây này khi trồng trên vùng đất đồi dốc, vào mùa mưa bị nước cuốn trôi, xói mòn, còn mùa khô thì thiếu nước trầm trọng, làm cây khô cháy không phát triển được, khiến cuộc sống của các hộ dân hết sức khốn khổ. Sau đó dự án bị phá sản, Công ty phải giải thể. Còn đất của nông trường cũ thì được cấp lại cho những người dân tự nguyện ở lại đây với mức 5.000m2 đất vườn và 500m2 đất ruộng để sản xuất.

Tự lực vươn lên xây dựng xóm làng

Sau khi nông trường và Công ty Vitex giải thể, người dân ở đây gần như bơ vơ. Trong nhiều năm trời họ không được hỗ trợ gì từ các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Vào những lúc rất khó khăn, nhiều người phải đi lên núi đốt than bán kiếm tiền sống qua ngày. Rồi từ vườn đất của nông trường cũ cấp lại, dân làng bắt đầu chuyển đổi cây trồng.

Từ chỗ trước đây trồng cây ăn quả không thành, họ chuyển sang trồng tiêu như trước đã làm. Những hộ chưa có điều kiện trồng tiêu thì sử dụng đất vườn trồng keo lai kết hợp với phát triển chăn nuôi heo, bò... Nhờ vậy, kinh tế gia đình khấm khá dần lên.

Điển hình như ông Phan Quang Chung, từ 5.000m2 đất ông đã trồng được hơn 1.000 gốc tiêu bám lên cây lồng mứt. Năng suất bình quân đạt 1kg tiêu khô/gốc, thậm chí có cây đạt đến 5-10kg/gốc. Mỗi năm ông thu được khoảng 1,5 tấn tiêu khô, trị giá hơn 200 triệu đồng. Trong thôn còn có 4 hộ cũng trồng được khoảng 1.000 gốc tiêu. Còn đa số thì trồng từ 300 - 500 gốc tiêu, nên cũng có thu nhập khá.

Ngoài ra, trồng keo nguyên liệu cũng là nguồn thu nhập đáng kể của người dân ở đây. Hầu như nhà nào cũng trồng được 1ha keo lai trở lên, mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng. Riêng lĩnh vực chăn nuôi cũng đang phát triển mạnh ở thôn Tân Hưng.

Trong thôn có trên 20 hộ đã nuôi được từ 50 – 100 con heo giống mới và 25 hộ phát triển bò lai từ 1-5 con. Nhờ cần cù lao động sản xuất, một số hộ dân ở đây đã vượt qua ngưỡng cửa đói nghèo, góp phần làm cho làng mới Tân Hưng ngày càng khởi sắc.

Hiện nay, thôn Tân Hưng đã có đầy đủ hệ thống tổ chức đoàn thể và chính quyền thôn, nên người dân rất phấn khởi, tự tin đóng góp công sức của mình để cùng nhau xây dựng xóm làng. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn nhiều hộ nghèo, và do mức thu nhập của đa số hộ dân còn thấp nên chưa đủ sức để xây dựng các công trình công cộng của thôn.

Người dân hy vọng khi được thành lập thôn mới sẽ được các cấp, ngành hữu quan đặc biệt quan tâm, giúp thôn Tân Hưng sớm có được nhà văn hóa thôn để người dân có nơi sinh hoạt. Bên cạnh đó, họ mong muốn được hưởng cơ chế hỗ trợ xi măng và các nguồn hỗ trợ khác để làm đường giao thông nông thôn, nhằm đạt các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.
 

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM


 


.