Bình Sơn: "Chạy đua" với công tác dồn điền đổi thửa

02:07, 09/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, năm 2016, huyện Bình Sơn phấn đấu có gần 260ha đất thực hiện dồn điền đổi thửa (tăng gần 74ha so với diện tích đăng ký), với tổng kinh phí đầu tư gần 10,6 tỷ  đồng, tập trung ở 11 địa phương. Tuy nhiên, hiện nay công tác này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch, chỉnh trang.

TIN LIÊN QUAN

Vượt chỉ tiêu kế hoạch

Nhắc đến công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở Bình Sơn, trước tiên phải nói đến “cánh chim đầu đàn” xã Bình Dương. Đến nay, địa phương này đã hoàn thành công tác DĐĐT gần 351ha đất sản xuất nông nghiệp. Đây là một thành công lớn của xã Bình Dương. Nhờ DĐĐT xã đã làm mới, củng cố được 29km đường nội đồng, 89km kênh mương, lắp đặt 700 cống bi tưới tiêu, bê tông 20 cống tưới khác. Nhân dân còn tự nguyện hiến trên 75.000m2 đất để đắp bờ vùng, bờ thửa, làm mới đường nội đồng, kênh mương tưới tiêu.

Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp.
Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp.


Sau dồn điền đổi thửa, mỗi hộ gia đình trong xã từ 6,4 thửa đất bình quân còn 1,6 thửa; tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, có thêm 30ha đất bỏ hoang trước đây được đưa vào sản xuất hiệu quả. Xã cũng đã triển khai một số phương án phát triển sản xuất như chuyển đổi 120ha đất sản xuất lúa năng suất thấp sang trồng các loại rau màu; sản xuất lúa lai, lúa giống và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất DĐĐT, với kinh phí đầu tư trên 3,8 tỷ đồng. Nhờ đó, toàn xã hiện nay có hơn 115ha đất đạt giá trị sản xuất từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Từ những hiệu quả mang lại, huyện Bình Sơn đã triển khai quyết liệt công tác DĐĐT tại nhiều địa phương trong huyện. Năm 2016, Bình Sơn sẽ thực hiện DĐĐT gần 260ha, trong đó có gần 233ha đất lúa, 27ha đất màu, tăng gần 74ha so với diện tích đăng ký thực hiện. Nhiều địa phương như các xã Bình Thới, Bình Mỹ, Bình Minh... đã thực hiện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Ông Võ Đức Diên – Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Hiện tại, xã đã thực hiện DĐĐT trên 44ha, tăng hơn 4ha so với kế hoạch. Từ nay đến cuối năm, Bình Minh sẽ tiếp tục DĐĐT thêm 60ha nữa. Đây là một chủ trương đúng, tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp phát triển, giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
 

Dồn điền đổi thửa là cần thiết, được huyện chỉ đạo triển khai quyết liệt, xem đây là mục tiêu gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế cao, thay đổi diện mạo nông thôn. Vì thế, ngoài nguồn kinh phí của tỉnh, nếu địa phương nào làm tốt, huyện sẽ hỗ trợ thêm kinh phí. Tuy nhiên, không phải cào bằng mà phải chọn những vùng nào có khả năng thực hiện.
Ông LÝ THỌ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn.

Nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn      
                           
Tuy DĐĐT mang lại nhiều hiệu quả, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian thực hiện chỉnh trang đồng ruộng và xây dựng bờ vùng, bờ thửa ngắn nên có lúc, có nơi còn ảnh hưởng đến lịch thời vụ. Quá trình chia đất theo Nghị  định 64 trước kia manh mún, diện tích đất tự nhiên tại các xứ đồng nhỏ, một số nơi lại là ruộng bậc thang nhiều.

Bên cạnh đó, trong quá trình quy hoạch đồng ruộng, giải phóng mặt bằng để thực hiện DĐĐT còn vướng vào việc di dời mồ mả, đốn chặt cây cối, chỉnh trang lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, nên dẫn đến tiến độ thực hiện chậm, tốn nhiều kinh phí...

Liên quan đến chính sách DĐĐT, nhiều địa phương cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo Quyết định 34 của UBND tỉnh quy định, dồn điền vùng nào liên vùng, liên thửa từ 10ha trở lên mới được hỗ trợ. Thế nhưng, các xã khu tây Bình Sơn nói riêng hiếm có vùng nào đạt được 10ha. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ DĐĐT với mức 7 triệu đồng/ha đất trồng lúa, 5 triệu đồng/ha đất trồng các loại cây trồng cạn là quá thấp so với chi phí thực tế triển khai. Đã thế, việc phân bổ nguồn vốn này quá chậm nên không động viên, khích lệ các địa phương tham gia thực hiện DĐĐT.

Ông Nguyễn Quang Trung -Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ cho rằng: “Mục đích của DĐĐT là hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân... Tuy nhiên, vấn đề hiện nay người dân quan tâm chính là đầu ra cho sản phẩm, nhất là cây rau màu. Do đó, việc hình thành quy mô chợ đầu mối nông sản ở huyện là cần thiết. Từ đầu mối này, hàng nông sản sẽ đi ra các tỉnh. Còn nếu vẫn cứ buôn bán nhỏ lẻ, manh mún như lâu nay thì rất khó để phát triển”.


Bài, ảnh: HỒNG HOA



 


.