Những công trình dệt mùa vàng ấm no

02:06, 07/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã Bình Dương (Bình Sơn) tuy nằm cách cửa biển Sa Cần có 1km và là nơi có 3 con sông chảy qua, nhưng từ nhiều năm nay đã không còn lo đến chuyện ruộng đồng bị nhiễm mặn. Tất cả là nhờ công trình đập ngăn mặn được đắp hằng năm và một bờ kè bao quanh xã.

Đắp đập, ngăn sông

Dẫn chúng tôi đi xem công trình đập ngăn mặn chắn ngang sông Trà Bồng, sông Cáp Gia được làm bằng thân dương liễu, đất cát và phên tre đã được HTX huy động máy móc, sức dân hoàn thành, ông Võ Tấn Đại – Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương bảo rằng: “Dù chỉ rộng chừng 4m và dài 345m, nhưng nhờ hai con đập này mà mấy chục năm qua việc nhiễm mặn ở đồng ruộng Bình Dương đã lùi vào dĩ vãng”.

Nói về kinh nghiệm trong đắp đập ngăn mặn, ông Võ Tấn Đại chia sẻ: “Đắp đập ngăn mặn không khó, cơ bản là mình phải nắm được quy luật của thủy triều lên xuống mà làm. Đặc biệt, lúc mực nước hai bên gần bằng nhau thì mình phải tiến hành công đoạn hàn. Công việc này chỉ được thực hiện trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Bởi nếu làm lâu hơn, nước sẽ trở dòng chảy là chỉ có đứng ngóng thôi”.

 

Đập ngăn sông Trà Bồng, góp phần giữ nước, chống sự xâm nhập mặn.
Đập ngăn sông Trà Bồng, góp phần giữ nước, chống sự xâm nhập mặn.


Theo lời ông Đại, thường ăn Tết xong, tùy theo từng năm mà tiến hành đắp đập sớm hay muộn. Đến khoảng tháng 9 dương lịch là nhổ cọc, phên tre cho nước chảy ra biển, tránh ngập úng. Tuy nhiên, năm nào có lũ tiểu mãn thì phải lập tức tháo dỡ rồi sau đó làm lại. Kinh phí cho mỗi lần đắp đập là 530 triệu đồng. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại là kinh phí của HTX và nhân dân đóng góp.

Trong ký ức người dân nơi đây, thời điểm những năm 1980 để có được con đập ngăn mặn, người dân cả xã đã được huy động, hàng nghìn ngày công đổ xuống lòng sông. Còn  bây giờ có máy móc “phụ” nên việc làm đập chỉ mất khoảng năm bảy ngày là xong.

Bên cạnh đập ngăn mặn, xung quanh xã Bình Dương cũng đã được xây dựng một bờ kè làm vành đai và 22 cống ngăn mặn. Nhờ thế đã giúp cho việc điều tiết, không cho nước mặn xâm nhập vào xã. Hơn nữa bờ kè bằng đất ngày xưa, giờ được kiên cố bằng bê tông hơn 3.200m và trở thành đường đi của người dân rất thuận lợi.

Không chỉ phục vụ sản xuất, đập ngăn mặn còn giúp cho sông Trà Bồng và sông Phú Gia luôn đầy ắp nước, đem lại nguồn nước ngọt dồi dào cho người dân trong xã.

Chống nhiễm mặn hiệu quả

Mùa này, nông dân Bình Dương đang tranh thủ hoàn thành lịch gieo sạ vụ hè thu và thu hoạch những ruộng ớt chín đỏ. Từ khi có đập ngăn mặn, người dân xã Bình Dương đã không còn lo đến chuyện lúa đang xanh tốt, bỗng dưng úa vàng chết đứng ngoài đồng do bị nhiễm mặn nữa.

“Bình Dương là một xã ở cuối nguồn nên lúc cần nước thì lại thiếu, còn lúc không cần lại dư thừa. Do đó, nếu không có đập ngăn mặn thì người dân Bình Dương chỉ có thể bỏ xứ mà đi thôi”, ông Lâm Minh Hoàng, ở thôn Mỹ Huệ 2 chia sẻ.

Đến nay, Bình Dương đã chuyển đổi 120ha từ diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây hoa màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân khoảng 350 triệu đồng/ha, trong đó cây ớt đã cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha.

Công trình đắp đập ngăn mặn của xã Bình Dương không chỉ người dân trong xã được hưởng lợi, mà còn giúp cho 6 xã, thị trấn lân cận được hưởng lợi từ con đập này.  “Nếu không có đập này thì nước nhiễm mặn lên tận cầu sắt của thị trấn Châu Ổ, cách xã chừng 7km”, ông Võ Tấn Đại khẳng định.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, dù là xã thuần nông nhưng nhờ chuyển đổi giống cây trồng, dồn điền đổi thửa, tận dụng nguồn nước và đắp đê, đập ngăn mặn, mở rộng đồng ruộng để sản xuất mà thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Dương chỉ đứng sau thị trấn Châu Ổ. Trong khi tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, khiến sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Vậy mà ở xã Bình Dương, “bài toán khó” này đã có lời giải cách nay trên 30 năm.

Bài, ảnh: AN NHIÊN
 


.