Kinh tế trang trại ở Tư Nghĩa: Tìm hướng phát triển mới

06:06, 11/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư, phát triển kinh tế trang trại là một chủ trương lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, việc đầu tư xây dựng trang trại chủ yếu là tự phát.

TIN LIÊN QUAN

Mạnh ai nấy làm

Tư Nghĩa có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là phát triển trang trại có quy mô lớn. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã thuê đất đầu tư phát triển trang trại. Tính đến cuối tháng 5.2016, trên địa bàn Tư Nghĩa có khoảng 15 trang trại, tập trung ở các xã phía tây của huyện như Nghĩa Điền, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm...

Trang trại gà của anh Nguyễn Đức Thuận ở xã Nghĩa Thuận.
Trang trại gà của anh Nguyễn Đức Thuận ở xã Nghĩa Thuận.


Phát triển kinh tế trang trại là một bộ phận quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Tư Nghĩa. Tuy nhiên, nhìn chung các trang trại chưa có quy hoạch bài bản, chủ yếu là trang trại nuôi heo gia công cho các công ty nước ngoài. Trong quá trình hoạt động, các trang trại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, chưa xử lý triệt để chất thải của gia súc nên chưa đảm bảo môi trường xung quanh.

Ngoài ra, các chủ trang trại chưa có kế hoạch phát triển sản xuất lâu dài, chưa qua các lớp đào tạo về quản lý kỹ thuật và sản xuất kinh doanh... Tất cả những nguyên nhân trên đã làm cho mô hình kinh tế trang trại chưa có điều kiện để phát triển, mở rộng, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa đạt như kỳ vọng.
 

“Không chỉ hỗ trợ vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng mà thời gian tới huyện sẽ triển khai mở lớp tham quan học tập và tập huấn cho các trang trại. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức hỗ trợ xây dựng đường dây điện đối với các trang trại cách xa khu dân cư. Cùng với đó là cử người hướng dẫn thí điểm cho một số chủ trang trại thực hiện các quy định của tỉnh để được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020”.
Ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa.

Hỗ trợ phát triển trang trại

Mặc dù số lượng trang trại và gia trại trên địa bàn huyện là khá nhiều nhưng năng suất còn thấp, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Do vậy, huyện Tư Nghĩa mới cần quy hoạch phát triển trang trại một cách cụ thể theo từng địa phương, khu vực. Có như vậy mới tạo ra được vùng chuyên canh lớn để có cơ sở đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước và kể cả khu xử lý nước thải, chất thải. Bên cạnh đó, sẽ hạn chế tối đa tình hình dịch bệnh và chống lây lan ra các khu vực xung quanh, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành, các trang trại trên địa bàn huyện phát triển chủ yếu là tự phát, mạnh ai nấy làm. Thể hiện rõ nhất là việc đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Việc xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức, nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Hầu hết các chủ trang trại chưa nắm vững các thủ tục, quy định của Nhà nước để được cấp giấy công nhận kinh tế trang trại dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm cũng gặp trở ngại do chưa có sự liên kết chặt chẽ.

Cũng theo ông Thành, để giúp người dân đầu tư vào trang trại hiệu quả, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn ngân sách hỗ trợ phát triển trang trại, ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng như thủy lợi, giao thông, điện... tại các điểm quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn cần đổi mới phương thức cho vay để chủ các trang trại dễ dàng tiếp cận vốn. Vấn đề chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng được các cơ quan chuyên môn tổ chức thường xuyên, cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo về nghiệp vụ quản lý, điều hành cho chủ các trang trại, gia trại.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.