Độ che phủ rừng tăng nhanh

02:06, 01/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát huy kết quả thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, thời gian qua ngành lâm nghiệp và các cấp, ngành, địa phương hữu quan đã đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng để phát triển lâm nghiệp. Nhờ đó diện tích rừng và độ che phủ rừng của tỉnh không ngừng tăng lên.

TIN LIÊN QUAN

Tăng cường quản lý, phát triển rừng

Để đẩy nhanh diện tích có rừng và tăng tỷ lệ diện tích có rừng theo sự chỉ đạo của tỉnh, từ nhiều năm qua các cấp, ngành, địa phương hữu quan đã đặc biệt quan tâm đến biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng. Chỉ tính trong vòng hơn 10 năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã đưa vào khoanh nuôi tái sinh được hơn 21.554ha, bình quân mỗi năm khoanh nuôi được hơn 3.079ha.

Rừng trồng ở Ba Tơ đạt sản lượng cao.
Rừng trồng ở Ba Tơ đạt sản lượng cao.


Công tác trồng rừng cũng được quan tâm thực hiện, để giúp người dân từng bước có thu nhập và tăng diện tích rừng. Từ năm 2008- 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã đưa vào trồng mới và chăm sóc được hơn 66.032ha rừng, trong đó rừng phòng hộ có 6.923ha và rừng sản xuất 52.450ha, bình quân mỗi năm trồng hơn 9.433ha. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm cùng với sự tham gia tích cực của đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh.

Việc đưa vào khoán quản lý bảo vệ rừng đã được thực hiện liên tục từ năm 2008 đến nay, với diện tích được bảo vệ hơn 227.237 lượt hécta. Xây dựng hoàn thành phương án PCCCR và nâng cao năng lực PCCCR cho lực lượng kiểm lâm. Hình thành ban chỉ huy các cấp về các vấn đề cấp bách trong quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành củng cố và kiện toàn được 12 ban chỉ huy cấp huyện, 169 ban chỉ huy cấp xã và 927 tổ đội chữa cháy rừng ở cơ sở; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và xây dựng hương ước bảo vệ rừng cho 505 thôn, bản.

  Nhờ thực hiện công tác giao đất, giao rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng và mở rộng diện tích rừng trồng, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng mà diện tích rừng của tỉnh đã không ngừng tăng lên qua từng năm. Năm 2005, toàn tỉnh có 175.661ha rừng (rừng tự nhiên 103.536ha và rừng trồng 72.125ha), thì đến cuối năm 2007, toàn tỉnh có 210.152ha rừng (rừng tự nhiên 106.890ha, rừng trồng 103.262ha). Như vậy, chỉ tính riêng diện tích rừng trồng đã tăng bình quân mỗi năm là 15.568ha. Đặc biệt, đến năm 2015, diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng lên đạt hơn 294.116ha (rừng tự nhiên 109.196ha và rừng trồng 184.920ha). Nhờ đó, độ che phủ rừng toàn tỉnh cũng tăng lên khá nhanh: Năm 2007 độ che phủ rừng toàn tỉnh là 41,63%, thì đến đầu năm 2015 đã  tăng lên 49,80%.

Cơ hội cho người trồng rừng

Nhờ phát triển được diện tích rừng trồng mà từ 2005 đến nay, tuy trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng hoạt động sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu của tỉnh vẫn được đẩy mạnh là nhờ có sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đều tăng. Như năm 2008, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 180.000m3; năm 2010 đạt 350.000m3, thì đến năm 2014 đã đạt tới trên 765.488m3. Ngoài ra, bình quân hằng năm trên địa bàn tỉnh còn khai thác được khoảng trên 200 tấn quế vỏ, 300 ngàn ster củi, 1,5 triệu cây tre nứa, 1.400 tấn đót, 200 tấn song mây và một số lâm sản khác như mật ong, sa nhân... để phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Nhờ vậy mà đã có rất nhiều hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng từ nghề rừng.

Hoạt động chế biến lâm sản trong những năm gần đây phát triển khá nhanh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 8 nhà máy chế biến gỗ dăm làm nguyên liệu giấy cùng với rất nhiều cơ sở băm dăm khác, với tổng công suất trên 3 triệu tấn/năm và 7 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu với tổng công suất 2.870 container/năm. Ngoài ra, còn có 14 cơ sở xẻ gỗ phục vụ nhu cầu xây dựng và đóng sửa tàu thuyền với công suất 20.000m3 gỗ tròn/năm và hàng trăm cơ sở mộc dân dụng và sơ chế gỗ phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, với công suất khoảng 30.000 tấn/năm. Các cơ sở chế biến gỗ này đều đang có nhu cầu nguyên liệu rất lớn. Đây là cơ hội thuận lợi để các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh phát triển mạnh vùng nguyên liệu gỗ, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.


Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM

 


.