Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp: Còn những băn khoăn

09:06, 23/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân là mục tiêu của việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp.

Dân tự chuyển đổi

Đức Phú (Mộ Đức) là một trong những xã tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Người dân nơi đây đã chuyển hơn 60ha đất trồng lúa sang trồng bắp, đậu phụng và mè. Trong đó, riêng cây bắp đã chiếm 1/2 diện tích. Điều này, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thôn Phước Hòa là do: “Bắp dễ trồng, dễ bán, cộng với năng suất và giá cao nên hấp dẫn nhiều nông dân”.

TIN LIÊN QUAN

Hơn nữa, vì thiếu nước nên vụ sản xuất hè thu, nhiều diện tích đất lúa chân cao trên địa bàn xã Đức Phú có năm năng suất không đạt đến 45 tạ/ha. Nhưng nếu trồng bắp, không chỉ xen canh hai vụ, mà năng suất đạt từ 80 – 90 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích tăng gấp đôi. Vì thế, nhiều năm qua, cứ đến vụ sản xuất hè thu là nông dân Đức Phú đã tự chuyển hàng loạt diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng bắp.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 614ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bắp. Con số này cho thấy, nông dân trong tỉnh đã hiểu và chấp nhận điều chỉnh việc sản xuất theo hướng thích ứng với thời tiết cực đoan. Nhất là khi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã xác định: Lựa chọn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên phần diện tích canh tác lúa bấp bênh là hướng đi tất yếu, đảm bảo tính bền vững, nhằm gia tăng giá trị và tạo "chiều sâu" cho sản xuất nông nghiệp.  

“Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp phải xem QĐ 915 là một trong những điều kiện tiên quyết trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mục đích nâng cao lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đó cũng là bước đi, là cách để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Cẩn trọng đầu ra

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp (QĐ 915), diện tích trồng bắp trên địa bàn Quảng Ngãi  chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 614ha.

Theo lãnh đạo một số địa phương, lâu nay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, chứ không dành riêng cho cây bắp. Trong khi giai đoạn 2016 – 2019, QĐ 915 lại hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp với mức 3 triệu đồng/ha sẽ khiến phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phê duyệt trước đây sẽ bị phá vỡ.

 Về phía đơn vị quản lý và thực hiện, ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, năng suất bắp cao gấp đôi lúa, còn giá bán thì luôn luôn bằng hoặc cao hơn nên nông dân trồng bắp nắm chắc có lãi. Riêng vấn đề đầu ra, ông Hường thông tin: Mỗi năm ngành chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn phải nhập hơn 1 tỷ USD tiền bắp để phục vụ sản xuất. Điều này có nghĩa, đầu ra cho bắp là rất rộng mở.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa bấp bênh là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để việc hoán đổi này thực sự mang lại lợi ích bền vững, cũng như đảm bảo an ninh lương thực, thì dù đã lựa chọn được danh mục cây trồng, các ngành chức năng cũng phải “mở” được “cửa ra” cho sản phẩm thì nông dân mới yên tâm sản xuất .         
               
    MỸ HOA
 

.