Chương trình khuyến công: Nguồn lực phát triển công nghiệp nông thôn

02:06, 06/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả thiết thực, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xây dựng nông thôn mới.

TIN LIÊN QUAN

Thiết thực, hiệu quả...

Theo số liệu của UBND tỉnh, giai đoạn 2014 - 2015, tổng kinh phí được duyệt để thực hiện các hoạt động khuyến công gần 2,4 tỷ đồng (87,5%KH), trong đó kinh phí khuyến công quốc gia trên 1,37 tỷ đồng (115%), khuyến công địa phương trên 1 tỷ đồng (66,2%) và vốn đối ứng của doanh nghiệp 164 triệu đồng.

Hoạt động sản xuất gạch tại Nhà máy gạch Tuynel Bình Nguyên- cụm CN-LN Bình Nguyên (Bình Sơn).
Hoạt động sản xuất gạch tại Nhà máy gạch Tuynel Bình Nguyên- cụm CN-LN Bình Nguyên (Bình Sơn).


Từ các nguồn kinh phí trên, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho 400 lao động, với tổng kinh phí 570 triệu đồng. Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề được thực hiện theo dạng liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp (DN). Như đào tạo nghề may công nghiệp; đào tạo nâng cao tay nghề sản xuất đũa tre, bánh tráng, sản xuất ngói màu không nung, bao bì.

Bên cạnh đó, đã xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, với tổng kinh phí 916 triệu đồng. Các mô hình trình diễn kỹ thuật tiêu biểu như: Mô hình sản xuất tinh dầu quế, gạch lát nền Terrazzo, ván ghép thanh...

Đối với chương trình nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 8 DN với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Lập báo cáo đầu tư cho 1 DN (50 triệu đồng). Đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn cho 1 DN (54 triệu đồng)... Qua đó giúp các DN từng bước thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, cải thiện môi trường, giảm lãng phí năng lượng, nguyên vật liệu; nâng cao hiệu suất hoạt động của nhà máy cùng sự ổn định sản xuất và chất lượng sản phẩm...

Theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo động lực khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nhiều ngành nghề được duy trì và phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn...
 

Chương trình khuyến công 5 năm đến, tỉnh ta đề ra mục tiêu: Đào tạo lao động thành nghề và nâng cao tay nghề cho khoảng 500 lao động; tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật, hội nghị, hội thảo về sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 30 cơ sở CNNT chuyển giao hoặc ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến; hỗ trợ 10 cơ cở CNNT xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 6 cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 3 cụm công nghiệp... với tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 112 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 21,3 tỷ; địa phương 9,5 tỷ và vốn đối ứng của DN trên 81 tỷ đồng).

...nhưng còn nhiều khó khăn

Hạn chế lớn nhất trong hoạt động khuyến công thời gian qua là việc bố trí nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động khuyến công còn thấp, chỉ đạt hơn 66% kế hoạch, nên chưa đảm bảo thực hiện đồng bộ tất cả các nội dung ở các lĩnh vực theo yêu cầu hoạt động khuyến công.

Đồng thời, do chưa bố trí cán bộ khuyến công chuyên trách cấp huyện và cộng tác viên khuyến công ở các cấp, nên không phát huy được vai trò trong tổ chức thực hiện khuyến công từ cơ sở.

Khó khăn nữa là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) phát triển mang tính tự phát, quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, sản xuất không ổn định.

Một số DN sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, rất ít dự án đầu tư mới, trong khi đó đặc thù của khuyến công là xuất phát từ nhu cầu của các cơ sở CNNT, nên việc thực hiện hỗ trợ các đề án khuyến công trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, truyền nghề chất lượng chưa cao. Một số cơ sở CNNT chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả công tác đào tạo. Đồng thời, nhận thức và tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ và mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã của các cơ sở CNNT còn hạn chế; một số cơ sở có tiềm lực kinh tế lại không mặn mà, do nguồn vốn hỗ trợ quá nhỏ, không đủ sức hấp dẫn DN...

Tất cả những hạn chế, tồn tại trên đang được UBND tỉnh, Sở Công thương và các ngành hữu quan, địa phương tập trung khắc phục bằng những giải pháp hữu hiệu đề ra trong Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, tăng cường hỗ trợ DN (đặc biệt là DN vừa và nhỏ), cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện khuyến khích phát triển CNNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, xây dựng nông thôn mới.


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.