Cho vay giải quyết việc làm: "Cung" chưa đủ "cầu"

06:06, 03/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh (NHCSXH), hàng nghìn lao động đã có việc làm mới và thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên việc triển khai chương trình này đang bộc lộ nhiều bất cập.

Hiệu quả thiết thực...

Tính đến hết tháng 4.2016, tổng dư nợ cho vay Chương trình GQVL đạt gần 108,6 tỷ đồng, với 5.554 lượt khách hàng dư nợ; đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Nhiều vùng nông thôn, vào những thời điểm nông nhàn, nhờ có nguồn vốn GQVL mà người dân đã làm nghề “tay trái” ngay tại quê nhà.

 Nguồn vốn giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.
Nguồn vốn giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.


Cách đây hai năm, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Hội LHPN xã, chị Trần Thị Đào, thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư mua sắm máy làm nhang, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập. Chị Đào chia sẻ: “Trước đây do không có vốn, nên việc làm ăn gặp nhiều khó khăn. Hàng sản xuất bằng thủ công, năng suất thấp. May nhờ có vốn GQVL, đầu tư mua máy làm nhang, mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Còn chị Lê Thị Nguyệt (xã Nghĩa Hòa), từ nguồn vốn vay GQVL 21 triệu đồng, chị đã có thêm vốn để mua lốp xe cũ về dự trữ và xẻ bán cho bạn hàng vào những tháng cao điểm.

Theo đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể các địa phương, thời gian qua, cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn theo Chương trình cho vay GQVL có nhiều đổi mới, tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả. Bên cạnh đó, Chương trình cho vay GQVL đã góp phần khôi phục nhiều nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất; thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, lao động là người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

...nhưng “cầu” nhiều, "cung" ít

Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hòa cho biết: “Hiện nay Hội phụ nữ xã có trên 2.300 hội viên, trong đó hầu hết đều làm nhang và lốp xe nên rất cần vốn để mua máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Thế nhưng, đến nay mới có 76 hộ được vay vốn GQVL. Cái khó nữa là nếu đưa hết 20 triệu đồng cho một chị vay thì chị khác lại phân bì. Vì vậy, phải chia nhỏ ra mỗi chị 10 triệu đồng. Nguồn vốn ít và phân tán, nên khó phát huy hiệu quả”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Duy Cường – Giám đốc NHCSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi khẳng định, cái khó hiện nay là nhu cầu của người dân thì nhiều, nhưng nguồn vốn lại hạn hẹp. Thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã linh hoạt xin luân chuyển 7 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo hằng năm của tỉnh sang cho vay GQVL. “Thực tế, chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo được Nhà nước đặc biệt quan tâm, nên hàng năm Trung ương phân bổ nguồn vốn cho vay đối tượng này rất dồi dào. Riêng nguồn cho vay GQVL, từ năm 2012 đến nay, Quảng Ngãi đã không được hưởng vốn từ Trung ương mà chủ yếu là dùng ngân sách của tỉnh. Vì vậy, chúng tôi đang trình UBND tỉnh xem xét mỗi năm trích 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để NHCSXH thực hiện cho vay GQVL”, ông Cường cho biết.

Có thể khẳng định, với những lợi ích mang lại, nguồn vốn vay của Chương trình cho vay GQVL là “đòn bẩy” kích thích và hỗ trợ kịp thời cho khách hàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành, UBND tỉnh cần nghiên cứu, xem xét bổ sung nguồn vốn để Chương trình này phát huy hiệu quả hơn nữa.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.