Tròng trành thuyền nan

02:05, 24/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa biển cả mênh mông, những chiếc thuyền nan của ngư dân vùng bãi ngang Mộ Đức càng trở nên nhỏ bé. Nhưng vì miếng cơm, manh áo họ vẫn đêm ngày lênh đênh trên những chiếc thuyền nan tròng trành, bất chấp những hiểm nguy...

Thuyền chằng chịt vết vá

Thuyền nan của ông Huỳnh Rị ở thôn Đạm Thủy Nam, xã Đức Minh đã đồng hành cùng ông 3 năm, nhưng thân thuyền đã có đến 4 vết vá. Vậy nên, khi vừa vào bờ sau 12 giờ lênh đênh trên biển, ông Rị cùng vợ phải dùng hết sức đẩy con thuyền nằm nghiêng trên bãi cát cho nước chảy hết ra ngoài.

Ngư dân vùng bãi ngang vẫn bám biển trên những chiếc thuyền đan bằng tre, đối mặt với hiểm nguy.
Ngư dân vùng bãi ngang vẫn bám biển trên những chiếc thuyền đan bằng tre, đối mặt với hiểm nguy.


Thấy thuyền ông Rị bị vô nước quá nhiều, các lão ngư có mặt trên bãi biển nhắc nhở: “Mai nghỉ một chuyến biển đi, lấy dầu rái mà trét lại thuyền. Đáy thuyền mềm nhũn thế này, đi biển sao được?”

Chiếc thuyền nan của ông Rị cùng hàng trăm ngư dân khác vùng bãi ngang được đan bằng tre và phết dầu rái cho khỏi thấm nước. Nếu cộng cả tiền máy móc, mỗi chiếc thuyền trên có giá khoảng 10 triệu đồng. “Một chiếc thuyền nan đi biển có tuổi thọ cỡ 10 năm. Nhưng đó là gắng lắm mới được vậy, chứ đến năm thứ 2, 3 là đã bắt đầu hỏng hóc đủ chỗ”, vợ ông Rị phân trần.

Là phương tiện mưu sinh, lênh đênh trên biển cả đêm,  ngoài bộ dàn đèn và hệ thống dây câu ra, ngư dân chẳng mang thêm bất cứ phương tiện cứu sinh nào để phòng thân khi có sự cố...
 

Trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng thuyền nan trên địa bàn huyện tăng gần 100 chiếc, nâng tổng số thuyền nan lên 374 chiếc. Chủ trương cắt giảm số tàu, thuyền đánh bắt ven bờ là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Thế nhưng, thu nhập của người dân vùng bãi ngang chủ yếu nhờ vào biển. Nếu hạn chế, không cho người dân phát triển nghề, thì đời sống của họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
            Ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức

Hiểm nguy rình rập

Làm nghề biển vùng bãi ngang, độ 16 giờ chiều là ngư dân đồng loạt ra khơi, đến 4 giờ sáng hôm sau lại vào. “Hôm nào mực, cá nhiều thì đi cách bờ 5 – 7 hải lý. Hôm nào biển “cạn” thì mình giong thuyền đi xa hơn”, ngư dân Huỳnh Kim Trọng dùng từ “biển cạn” để ví von cho những ngày đánh bắt chẳng có bao nhiêu cá, mực...

Mỗi khi vào bờ trong lòng chiếc thuyền nan thường có những con mực ống tươi, thương lái tìm đến phân loại. Người nào cũng có khoảng 5 - 6kg. Riêng ngư dân Trịnh Ngọc Nguyên thì khá hơn, với gần 20 kg mực ống.

Cầm trên tay 720 nghìn đồng mà thương lái trả cho gần 20kg mực, ngư dân Trịnh Ngọc Nguyên phân tích: “Mực lớn cỡ cổ tay người ta gọi là mực 1, trả giá cao hơn. Còn nhỏ hơn một tí, bị gọi là mực loại 2... thì chỉ có vài chục nghìn 1kg. Không mực nào giống mực nào và không phải bữa nào đi biển cũng được bấy nhiêu”.

43 tuổi đời, gần 30 năm tuổi nghề, ngư dân Huỳnh Kim Trọng ở thôn Đạm Thủy Nam cho hay: “Dân biển bãi ngang chỉ đi được từ tháng 3 - 6, nên phải tranh thủ. Chứ biển động đi rất nguy hiểm. Đã mấy vụ ngư dân trong xã bị sóng lớn hất văng xuống biển mất tích rồi...”. Ông Trọng bỏ dở câu nói, tranh thủ sửa soạn lại đồ nghề rồi trở về nghỉ ngơi, giữ sức cho buổi chiều lại ra khơi.
 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.