Trong cái khó ló cái hay

02:05, 02/05/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trước tình cảnh thiếu nước để sản xuất lúa, nông dân ngậm ngùi bỏ lúa lấy cây trồng cạn. Trong cái khó đã ló cái hay, không những “né” được hạn, tiết kiệm nước, cây trồng cạn mang lại thu nhập cho nông dân cao hơn gấp 5- 7 lần cây lúa.

TIN LIÊN QUAN

Không có lúa vẫn sống khỏe
 
Về xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) những ngày này, đâu đâu cũng thấy nông dân đang miệt mài nhổ đậu, che bạt hái đậu ngay trên những cánh đồng đất bạc màu. Dọc các con đường ở thôn An Lợi, Phước Hạ, tiếng cười nói rôm rả trong niềm vui được mùa tạm quên nổi buồn mất mùa lúa.
 
“Năm nay đậu phộng không trúng lắm, nhưng cũng kha khá. Như mảnh ruộng nhà tui mới nhổ tuần trước chưa đầy 1 sào được tới hơn 1 tạ đậu, phơi khô bán liền tay được hơn 2,5 triệu đồng, chưa kể thu từ bắp trồng xen canh và bánh dầu”- bà Phạm Thị Thịnh, ở thôn An Lợi hồ hởi, phấn khởi khoe. 
 
Phần lớn diện tích đất ở huyện Đức Phổ và khu đông huyện Bình Sơn là đất bạc màu lại thiếu nước. Vụ hè thu 2015, gặp nắng hạn kéo dài, hồ đập không đủ nước tưới, chỗ nào có nước, người dân đặt máy bơm hút nước cũng không đủ chống hạn, lúa chết trắng đành cắt cho bò. 
 
Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng Enino, dự báo nắng hạn khốc liệt nên bà con nông dân ở đây không còn cố đấm ăn xôi vào cây lúa mà mạnh dạn chuyển sang cây trồng chịu hạn như bắp, đậu phụng, bắp xen canh đậu phụng, ớt, dưa hấu,…

 

Đậu phụng là một trong những cây trồng chịu hạn được nông dân chuộng nhất.
Đậu phụng là một trong những cây trồng chịu hạn được nông dân chuộng nhất.
 
“Hình như đất này khoái cây đậu phụng hay sao mà tươi tốt quá trời. Không có lúa vẫn sống khỏe hà cớ gì bám vào cây lúa chi cho khổ, suốt ngày lo chạy nước, bón phân, phun thuốc mà vẫn cắt cho bò”.- Phạm Thị Thanh, ở thôn Giao Thủy, xã Bình Thới (Bình Sơn) đang thu hoạch đậu phụng vui vẻ góp chuyện.
 
Bà Thanh cho biết thêm, vụ trước bà trồng 3 sào đậu phụng xen canh bắp, thu được hơn 3 tạ đậu phụng và 1 tạ bắp, mang về cho gia đình bà hơn 12 triệu đồng. 
 
Trong cái khó lo cái hay, người trồng ớt, dưa hấu đang hoan hỉ trong niềm vui trúng mùa, trúng giá chưa từng thấy, còn người trồng rau màu, đậu phụng, bắp cũng có thu nhập khá nhờ năng suất cao và giá bán ổn định.
 
Người trồng đậu phụng có thêm một khoản thu nhập không nhỏ từ bánh dầu, bán thân cây cho những người nuôi bò hoặc lấy thân cây đậu phụng ủ làm phân chuồng.
 
Yêu cầu bức thiết
 
Nếu như những năm trước, vụ hè thu mới tính đến chuyện thiếu nước, thì năm nay, ngay từ vụ đông xuân, việc chuyển đổi giống cây trồng sang cây chịu hạn là chuyện không muôn cũng phải làm vì các hồ, đập không tích đủ lượng nước.
 
 
C
Chuyển đổi giống cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả là yêu cầu bức thiết.
 
Sở NN&PTNT đã yêu cầu địa phương vận động nông dân chuyển đổi được hơn 505ha diện tích lúa thiếu nước sang canh tác cây trồng cạn. Trong đó, ớt chiếm diện tích lớn nhất 158 ha, bắp 90 ha, đậu phụng 55 ha, mì 69 ha, cỏ 50 ha,… Bình Sơn là huyện tình nguyện đi đầu trong phòng trào này.
 
Ông Phan Diệp- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết, huyện đã trích kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 274 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Thực tế cho thấy, cây trồng cạn hiệu quả gấp 5- 7 lần cây lúa. Kế hoạch cả năm của Bình Sơn là chuyển đổi 774 ha, vụ hè thu đến Bình Sơn sẽ tập trung chuyển đổi mạnh mẽ. 
 
Hiện tại, trên địa bàn huyện Bình Sơn có 58 hồ chứa nước thì có tới 5 hồ chứa đến thời điểm này không còn nước nên việc chuyển đổi giống cây trồng là yêu cầu bức thiết, góp phần tiết kiệm nước tưới tại các hồ chứa để đưa về chống hạn cho diện tích khác, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
 
Thực tế sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với độc canh cây lúa. Theo tính toán của bà con nông dân, mỗi sào lúa nếu đặng mùa, trừ mọi chi phí nông dân thu về chưa đầy 1 triệu đồng, trong khi đó đậu phụng có thể cho thu nhập từ 3- 4 triệu đồng, bí các loại từ 5- 7 triệu đồng…
 
Trong tình hình khô hạn được dự báo khốc liệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp vừa góp phần tiết kiệm nước tưới, vừa giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
 
“Vụ hè thu đến, ngành quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả theo hương thâm canh”- ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay.
 
Việc chuyển đổi giống cây trồng trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay là yêu cầu bức thiết. Không chỉ tiết kiệm nước tưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân, nó còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật, tăng độ phì nhiêu cho đất.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.