"Trở mình" cùng đất mía

02:05, 03/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng cháy. Mía xanh. Nông dân dù mồ hôi nhễ nhại vẫn nở nụ cười bởi họ tin, sự trở lại của cây mía sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho gia đình mình...

 Sẽ không có gì đáng nói nếu như mía – loại cây trồng đã làm nên thương hiệu của người dân miền quê núi Ấn sông Trà đang dần nhường chỗ cho những loại cây trồng khác. May thay, trong cuộc đổi ngôi chóng vánh ấy, vẫn còn nhiều nông dân đau đáu, trăn trở với nghề trồng mía.

Bôn ba...

Gặp nông dân Võ Minh Tuấn, thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) vào một sáng cuối tháng 4, tôi thoáng bất ngờ. Bởi, ngoài gương mặt sạm đen, cách nói chuyện dí dỏm, thu hút người đối diện bằng cái tính thật như đếm của mình, anh Tuấn cũng chẳng có gì nổi bật để được xem là bạn hàng sản xuất nguyên liệu lớn nhất của Nhà máy đường hiện nay. Nhưng khi bàn về chuyện cây mía, tôi thật sự bị cuốn hút bởi kiến thức, cũng như tâm huyết của nông dân trẻ tuổi mà già dặn kinh nghiệm này.

Chuyện bắt đầu từ việc làm mía nhọc công, tốn kém mà tiền lãi chẳng đáng là bao, có khi còn bị thua lỗ. Mỗi sào mía, gắng lắm chỉ được 2 – 2,5 tấn. Ai làm giỏi cũng không quá 4 tấn. Trừ chi phí giống, phân bón, công thu hoạch, may mắn còn dư 100.000 – 200.000 đồng, không thì hòa vốn, thậm chí lỗ. Vậy nên, càng ngày càng có nhiều người từ bỏ cây mía để trồng mì, đậu phụng và bây giờ là đến cà gai leo.
 

 

Với 22ha đất mía liên vùng liên thửa, anh Tuấn trở thành đối tác sản xuất, cung ứng nguồn mía nguyên liệu lớn nhất của Nhà máy Đường Phổ Phong.
Với 22ha đất mía liên vùng liên thửa, anh Tuấn trở thành đối tác sản xuất, cung ứng nguồn mía nguyên liệu lớn nhất của Nhà máy Đường Phổ Phong.

Anh Tuấn cũng không ngoại lệ. Gắn bó với cây mía từ thuở còn thơ đến khi ngoài 40 tuổi, không biết bao lần nông dân này tự hỏi: Hà cớ gì mình phải bám mía cho cực thân? Nhưng rồi, cái suy nghĩ ấy cũng chóng trôi theo hình ảnh nắng cháy, đất nẻ chân chim vì thiếu nước.

“Tại sao anh không trồng mì, đậu phụng như những hộ khác”, tôi hỏi. Chỉ vạt mì lọt thỏm giữa ruộng mía xanh, anh Tuấn bảo, mì, đậu phụng đều “chịu” đất Nghĩa Lâm. Riêng cây mì vừa cho năng suất cao, chất lượng lại cực tốt, với độ bột đạt đến 29 – 30% nên nông dân rất thích, mỗi sào cũng cho 700.000 – 800.000 đồng tiền lãi. Song, trong suy nghĩ của anh Tuấn, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu cùng lúc mì và mía rớt giá, thua lỗ, nông dân sẽ chọn trồng cây gì? Vậy là mãi luẩn quẩn với những tính toán không kém phần khập khiễng ấy, anh Tuấn vẫn không tìm ra được lối thoát cho mình, cho đến khi ý nghĩ thuê đất dồn ruộng ra đời...

 ... không qua “vận” mía

Năm trước, khi phong trào tẩy chay cây mía diễn ra rầm rộ ở xã Nghĩa Lâm, anh Tuấn lại đến từng nhà năn nỉ bà con xin thuê lại đất với giá 1,5 triệu đồng/sào/năm để... trồng mía!. Nhưng với giá thuê đất quá cao nên nhiều người không tin anh Tuấn sử dụng để đầu tư trồng mía. Họ hỏi thẳng: “Chỉ có điên mới trồng mía lúc này. Hay là ông có ý đồ gì khác!”.  

Mặc kệ những nghi vấn, dèm pha, anh Tuấn vẫn kiên định với ý tưởng của mình. Sau 2 tháng đi tới đi lui để vận động, giải thích, anh Tuấn cũng hoàn tất việc thuê 22ha đất liên vùng của hơn 200 hộ dân trong xã. Có đất, anh ký hợp đồng với Nhà máy đường đầu tư trồng mía.

Ngày máy cày đất, rồi máy rạch hàng bón phân kéo nhau về phá bờ trồng mía, người dân xã Nghĩa Lâm mới dần ngộ ra. Đến khi nhìn 22ha mía xanh tốt, thẳng đều tăm tắp trải dài ngút mắt, định kỳ lại có máy đến bón phân thì bà con bắt đầu hiểu chuyện. Từ nghi ngờ, họ dần mến phục cách làm ăn cũng như tấm lòng của anh Tuấn. Đó là không lợi dụng tình trạng khô hạn mà ép nông dân cho thuê đất giá rẻ để trục lợi cho riêng mình. Bởi, anh Tuấn trả mức giá thuê đất 1,5 triệu đồng/sào/năm như hiện nay đã là quá cao khi mà mỗi năm, một sào đất trên cũng không mang về cho bà con quá 1 triệu đồng tiền lãi.

Sở hữu 22ha đất mía liên vùng liên thửa, anh Tuấn nghiễm nhiên trở thành đối tác sản xuất, cung ứng nguồn mía nguyên liệu lớn nhất hiện nay của Nhà máy đường. Anh được Nhà máy bảo hiểm năng suất mỗi hécta lên đến 100 tấn mía nguyên liệu, cao gần gấp đôi so với thông thường. Con số lợi nhuận vì thế cũng gia tăng theo kiểu “năng nhặt chặt bị”.

Nhận thấy cái kết rất “ngọt” từ anh Tuấn, ngày càng có nhiều nông dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất và bắt tay làm ăn với Nhà máy đường. Chính sự hợp lực này đã giúp cây mía dần đủ sức, vươn mình để mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người trồng mía. Âu đó cũng là cách để họ gìn giữ thương hiệu mía đường cho Quảng Ngãi.  
 
Bài, ảnh: Thanh Phong
 

.