TPP và cơ hội cho ngành nông nghiệp Quảng Ngãi

06:05, 24/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Bên cạnh những thách thức, việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra những cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế...

TIN LIÊN QUAN

Nhận diện lợi thế

Cùng với cao su, hạt điều, tiêu... thì đồ gỗ và thủy sản được xem là hai mặt hàng dẫn đầu lợi thế xuất khẩu. Bởi hiện nay, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chiếm 39%, Nhật Bản chiếm 15%; còn thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 19%, Nhật Bản chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hơn nữa, khi gia nhập TPP, đồ gỗ và thủy sản cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng này nhưng không phải là thành viên TPP. Nông sản Việt Nam vì thế sẽ có nhiều cơ hội “xuất ngoại”, giảm áp lực phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và kém bền vững. Trên cơ sở đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu được điều chỉnh, góp phần tăng tính chủ động trong sản xuất, tránh tình trạng trúng mùa mất giá như lâu nay.

 Dù có lợi thế cạnh tranh nhưng vì năng lực sơ chế, chế biến yếu nên giá trị của mặt hàng thủy sản không cao.
Dù có lợi thế cạnh tranh nhưng vì năng lực sơ chế, chế biến yếu nên giá trị của mặt hàng thủy sản không cao.


Tại tỉnh Quảng Ngãi, với tổng diện tích có rừng trên 310 nghìn hécta cùng đội tàu thuyền hơn 5.500 chiếc, công suất vượt 1 triệu CV là điều kiện lý tưởng để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ và thủy sản. Thực tế hiện nay, phần lớn sản phẩm đồ gỗ cũng như thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ được xuất bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp, thu nhập của người dân vì thế cũng chưa tương xứng. Cụ thể, mặt hàng thủy sản hiện năng lực chế biến, sơ chế cũng chỉ đạt 10.000 tấn, thấp hơn 16 lần so với sản lượng đánh bắt, nuôi trồng đạt trên 160.000 tấn!

Đối với sản phẩm gỗ, trên địa bàn tỉnh không thiếu nhà máy chế biến dăm gỗ quy mô, công suất lớn. Trong khi các cơ sở chế tác gỗ mỹ nghệ thì hoạt động nhỏ lẻ, manh mún. Ngay như tại xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nơi được xem là “đất lành” của nhiều nghệ nhân, cơ sở chế tác đồ gỗ mỹ nghệ của cả tỉnh, nhưng hiện tiềm năng này vẫn bị bỏ ngỏ.
 

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn thị trường chung rộng lớn với gần 800 triệu người tiêu dùng và 40% GDP toàn cầu. Đây được coi là cơ hội lớn cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam hiện đã và đang có mặt tại thị trường các quốc gia thuộc TPP.

“Đón” TPP

Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án), ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng nhận định: Đồ gỗ và thủy sản là hai mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao. Do đó khi gia nhập TPP, hai mặt hàng này sẽ có nhiều cơ hội xuất vào các thị trường khó tính. Song, để phát huy tối đa lợi thế, trước mắt cần khắc phục những yếu thế về nguồn nguyên liệu và mối liên kết giữa các nhà. Bởi, trong số hơn 310 nghìn hécta rừng hiện nay thì rừng trồng đã chiếm trên 198 nghìn hécta. Điều đáng ngại là đại đa số diện tích rừng trồng đều là cây keo lai. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ giá trị cao vì thế cũng không nhiều. Bởi, với chu kỳ 3 – 5 năm (từ lúc trồng đến khai thác) như cách của người dân hiện nay, keo lai chỉ phù hợp với ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ.

Khắc phục tình trạng thiếu hụt cây lấy gỗ, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng đã vận động người dân trồng xen để “vẹn cả đôi đường” nhưng hiện tại, hiệu quả vẫn chưa thực sự rõ nét. Keo lai nhiều, cây lấy gỗ ít.

Với mặt hàng thủy sản, hạ tầng đã thiếu lại yếu. Thực tế, với sản lượng khai thác và nuôi trồng mỗi năm lên đến hơn 160 nghìn tấn thì hoạt động mua bán, chế biến chắc chắn sẽ phải sôi động, sầm uất. Song, điều oái ăm là vì cửa biển “nay bồi mai lấp”, rồi dịch vụ hạ tầng đơn lẻ, không đáp ứng nhu cầu khiến ngư dân trong tỉnh ngại cho tàu về quê, mà phải vào các tỉnh bạn để bán hải sản. Nhiều cảng biển trên địa bàn tỉnh vì thế cũng đìu hiu, vắng lặng. Ngành thủy sản Quảng Ngãi đi sớm về muộn cũng là vậy. Do đó, để “đón" TPP, đã đến lúc ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cần rà soát quy hoạch và đầu tư có trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả cũng như giá trị sản xuất.    


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.