Tiếp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: Ngân hàng còn dè dặt

10:05, 20/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là một  trong những đối tượng được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, vì vấn đề rủi ro, nhiều DN nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này.

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp cần vốn

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tín dụng đặc thù tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nói chung và DNVVN nói riêng. Nhờ đó, dư nợ vay của các DNVVN ở các ngân hàng không ngừng tăng trưởng qua các năm. Song, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.

DN hoạt động ngày một khó khăn, khi cùng một lúc “cõng” trên lưng nhiều chi phí. Trong khi đó, thị trường cạnh tranh bị xé nhỏ dẫn đến sức cạnh tranh ngày một tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm. Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều DN giải thể, ngừng hoạt động.

Nhiều DN nhỏ vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn thuộc nhóm đối tượng ưu tiên.
Nhiều DN nhỏ vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn thuộc nhóm đối tượng ưu tiên.


Trong quý I/2016, toàn tỉnh có 184 DN đăng ký thành lập mới, tăng trên 132%, nhưng số vốn đăng ký chỉ 248 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ 2015. Vốn tự thân ít, các DN này sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt cũng như tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn của mình. Những rào cản khiến DN nhỏ cần vốn hơn ai hết lại khó tiếp cận vốn.

Ông Phan Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sản xuất ngói màu Akura Vina chia sẻ: “Chúng tôi rất khó vay vốn nếu không có tài sản thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, thời hạn vay chủ yếu là ngắn hạn, còn dài hạn thì ngân hàng không dám cho vay, vì sợ không đảm bảo”.

Còn ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH XD La Hà ở Tư Nghĩa cho biết: “DN muốn hoạt động phải có tiền. Trong thời buổi kinh doanh khó khăn như hiện nay, đồng vốn là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế chỉ có mấy DN lớn, tập đoàn nhà nước mới tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, còn DN tư nhân thì khó lắm. Tất cả đều phải dựa vào tài sản thế chấp”.

Ngân hàng đòi "DN tốt"

Đại diện các ngân hàng cho rằng, họ rất muốn cho vay, thậm chí giảm lợi nhuận họ vẫn cho vay, còn hơn là phải ôm vốn. Nhưng,  họ cũng  rất  dè dặt vì sợ khó thu hồi được vốn, nếu tài sản thế chấp và phương án kinh doanh của DN chưa thật sự thuyết phục. Trong khi các DN đi vay chủ yếu vẫn dựa vào tài sản thế chấp là chủ yếu, nhưng giá trị tài sản thế chấp theo thời gian đã giảm nhiều. Điều đáng nói là các DN có khả năng phục hồi sản xuất, tài sản đã thế chấp hết, đang cần thêm vốn để duy trì, phát triển sản xuất, nhưng ngân hàng không cho vay thì DN có nguy cơ phá sản.

Tuy nói là nhóm khách hàng ưu tiên, nhưng chỉ nhóm khách hàng tốt mới được các ngân hàng cạnh tranh cho vay. Nhóm thứ hai là DNVVN đang còn nợ ngân hàng nhưng cần vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh thì  khó tiếp cận được vốn vay.

Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: “Để tạo điều kiện cho DN có vốn đầu tư làm ăn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động cho vay, từ tháng 5 đến tháng 11.2016, Agribank Quảng Ngãi triển khai cho vay ưu đãi đối với tất cả các DN. Trong đó, đối với ngắn hạn sẽ hưởng lãi suất 6,5%/năm. Còn trung và dài hạn, áp dụng mức lãi suất 8,5%/năm”.

Còn ông Nguyễn Hữu Thành– Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) – Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: Hiện ngân hàng cũng đang thực hiện cho vay theo Thông tư 08 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay ngắn hạn đối với nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, khách hàng cũng phải cam kết thực hiện theo đúng quy định là không để nợ quá hạn trong thời gian vay và nợ quá hạn tại các ngân hàng khác.

Bên cạnh việc khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngắn hạn của ngân hàng thì, nhiều DN cho rằng, mức lãi suất được áp dụng cho trung và dài hạn hiện nay ở tất cả các ngân hàng vẫn còn khá cao. Do đó, dù còn nhiều chật vật, nhưng phần lớn các DN đều chỉ tham gia vay gói ngắn hạn. Riêng đối với một số DN cần vốn đầu tư cho một dự án “dài hơi” thì phải tiếp cận với nguồn vốn trung hạn, dẫn đến khó khăn cho DN. Hiện lãi suất ở gói vay này thường dao động ở mức 8 – 10%/năm.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

 


.