Hàng quê... lên mạng

04:05, 15/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xu hướng tiêu dùng những mặt hàng truyền thống ngày càng tăng. Vì vậy nhiều người đã nhanh chóng cập nhật hình ảnh, thông tin về các mặt hàng thực phẩm ở quê lên mạng xã hội để cung ứng cho người tiêu dùng.

Nhiều tiện ích

Bắt đầu từ một lần cần tìm mật ong rừng, chị Phạm Thị Thùy Trang (TP. Quảng Ngãi) nảy ra ý định bán mật ong rừng thông qua mạng xã hội. Với lợi thế có người nhà ở Minh Long, tìm được nguồn mật ong tại đây, năm 2013, chị Trang bắt đầu công việc kinh doanh.

 

Các trang mạng xã hội trở thành công cụ bán hàng hiệu quả.
Các trang mạng xã hội trở thành công cụ bán hàng hiệu quả.

Sau một thời gian, nhận thấy nhiều khách hàng có nhu cầu sử dụng thực phẩm, chị Trang mở rộng thêm các mặt hàng như cá tươi, mực tươi, nước mắm, mắm mực, cá cơm rim, dầu phụng, gạo. Chị Trang cho hay, những mặt hàng này được lấy từ nguồn cung cấp của gia đình phía chồng ở xã Bình Châu (Bình Sơn) có ghe đánh bắt đi về trong ngày. Sau khi ghe vừa cập bến, những mặt hàng tươi được chụp hình và cập nhật thông tin trên mạng xã hội. Còn nước mắm cá cơm tiêu thụ mạnh vào những tháng gần Tết. Đối với mặt hàng gạo, cám gạo do gia đình ở Minh Long có máy xay xát cung ứng...

Phương thức kinh doanh trên mạng chủ yếu là gom các đơn đặt hàng rồi vận chuyển đến cho khách. Hoặc khi người nhà thông báo có hải sản tươi mới cập bến, chị Trang thông báo cho khách quen cần sử dụng mặt hàng nào rồi đóng gói. “Không tốn chi phí mặt bằng, tiếp cận khách hàng nhanh, tận dụng thời gian rảnh... là những ưu thế của việc bán hàng trên mạng. Ngoài những khách hàng trong tỉnh, còn chủ yếu khách ở TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên. Có nhiều người đặt hàng mua theo nhóm, để giảm bớt chi phí vận chuyển. Đơn hàng có khi lên đến vài triệu. Khách ở TP. Hồ Chí Minh hay đặt hàng vào cuối tuần để chuẩn bị thức ăn cho tuần mới, nên ngày thứ 5 tôi đóng gói để chuyển hàng đi”, chị Trang cho biết.

Ngoài ra, tùy theo mùa, chị Trang bán thêm một số mặt hàng như sim rừng hay rau xoa mọc ở biển, nấu ăn giúp giải nhiệt vào mùa hè.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội cũng có nhiều người bán hàng “Made in Quảng Ngãi” như chả cá Lý Sơn, cá bống sông Trà... Một số mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Đây cũng là một kênh giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông, ngư dân.

Lắm rủi ro

Vì bán mặt hàng quê nên các sản phẩm chỉ có theo mùa. Những lúc khách hàng có nhu cầu đôi khi không thể cung cấp được. Như nhiều người mua sim rừng, nhưng loại này chỉ có vào tháng 7, 8. Chưa kể đây là mặt hàng dễ hư, khó vận chuyển, bảo quản. Hoặc có những mặt hàng hải sản do trong lúc vận chuyển làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm...

“Nhiều người rất thích các mặt hàng quê vì độ tươi ngon. Họ còn tin tưởng vào chất lượng và có phản hồi khá tốt. Từ trước đến nay, tôi chỉ nhận một phản hồi của khách về mực tươi ăn vẫn có vị ngọt nhưng không giòn. Có thể do cách đóng gói chân không hoặc trong lúc vận chuyển làm ảnh hưởng đến chất lượng hải sản”, chị Trang cho biết thêm.

Phong trào bán hàng online đã trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội. So với các mặt hàng làm sẵn thì thực phẩm có nguồn gốc ở quê chỉ có thời gian dự trữ ngắn, cho nên, có những mặt hàng  như cá cơm rim, mực rim... không bán hết, tồn lâu phải hủy.

Vì mua bán trên mạng, người mua không trực tiếp lựa chọn sản phẩm mà chủ yếu thông qua cách tiếp thị của người bán. Hiện nay, rất dễ dàng bắt gặp các trang mạng xã hội rao bán các mặt hàng thực phẩm “sạch, an toàn”. Người tiêu dùng cần lựa chọn nơi bán uy tín, nguồn gốc bảo đảm, cần phản hồi lại thông tin cho người bán khi gặp những sự cố, trục trặc về sản phẩm không như thông tin cập nhật. Đây cũng là cách giúp nhiều người phát hiện những trang mạng xã hội bán hàng không bảo đảm chất lượng.
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 

.