Đổi thay nhờ vốn chính sách

02:05, 03/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, đồng vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã và đang phát huy vai trò “bà đỡ", đồng hành cùng dân nghèo. Dù ở đồng bằng hay miền núi xa xôi, những đồng vốn ưu đãi nhân văn này đã đem đến niềm vui lớn cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo những vùng quê.

Đồng vốn nối những bờ vui

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới khang trang của anh Đinh Văn Chép, thôn Gò Ra, xã Sơn Thành (Sơn Hà). Dạo quanh một vòng ngôi nhà của anh Chép, ít ai có thể ngờ rằng, từ một hộ nghèo phải vay 5 triệu đồng từ NHCSXH để mua 7.000 cây keo giống và vay 8 triệu đồng để làm nhà 167. Vậy mà đến nay, anh Chép đã có một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Từ vốn vay 7 triệu đồng của NHCSXH, anh Đinh Văn Săn, xã Sơn Thành đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu.
Từ vốn vay 7 triệu đồng của NHCSXH, anh Đinh Văn Săn, xã Sơn Thành đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu.


Cùng thôn với anh Chép có hộ của anh Đinh Văn Săn cũng đã thoát nghèo bền vững nhờ vốn chính sách. Nhớ cách đây hơn chục năm, gia đình anh Săn từng nằm trong danh sách những hộ nghèo nhất nhì xã. Năm 2004, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH, anh Săn đã mạnh dạn vay 7 triệu đồng để đầu tư mua 1 con trâu giống về nuôi. Nhờ chịu khó làm ăn, chăm chút cho “con trâu quý” mà anh đã gầy dựng nên đàn trâu 7 con, trị giá trên 100 triệu đồng. Tích góp tiền từ bán trâu, cộng với vay mượn thêm của anh em, anh Săn đã xây dựng một căn nhà khang trang gần 300 triệu đồng, đồng thời tiếp tục đầu tư trồng 2ha rừng.

Không riêng gì người dân ở miền núi Sơn Hà mà hàng nghìn hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 6 huyện nghèo trong tỉnh cũng đã có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn chính sách.

Anh Hồ Văn Nam, xã Trà Thủy (Trà Bồng) vẫn còn nhớ trước năm 2005, cuộc sống gia đình anh vô cùng khó khăn. Thế mà thông qua cầu nối vay vốn từ NHCSXH, anh Nam đã thay đổi cung cách làm ăn. Từ chỗ chỉ biết lên rừng hái rau, đốn củi đổi gạo, anh đã mạnh dạn vay vốn mua bò, trồng keo. Từ đó, giúp anh có điều kiện nuôi 5 đứa con ăn học. Đến nay, anh đã nằm trong danh sách hộ thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất kinh doanh, nguồn vốn của NHCSXH cũng đã giúp cho nhiều thanh niên ở miền núi Quảng Ngãi có tiền để đi xuất khẩu lao động, cũng như học sinh - sinh viên nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường.

Ông Lê Duy Hưng – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trà Bồng cho biết: “Với địa bàn là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số nên thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH Trà Bồng cũng luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác cho vay. Qua đánh giá, các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. Trong đó, có nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững”.

Tiếp tục là “bà đỡ” của người nghèo

Với mạng lưới hoạt động phủ kín đến tận làng, thôn, xóm, NHCSXH tỉnh đã tạo nên một cơ chế cho vay đặc thù là đem vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp và hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Do đó, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng nghìn lượt hộ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội. Đồng thời từng bước giúp họ quen dần với cơ chế thị trường, không trông chờ ỷ lại vào sự cấp phát của Nhà nước.

Tính đến hết tháng 3.2016, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh trên 2.552 tỷ đồng, với 127.501 khách hàng đang dư nợ. Trong đó, cho vay tập trung vào hộ nghèo, hộ cận nghèo và tạo điều kiện cho hơn 2.000 lao động vay vốn giải quyết việc làm; gần 5.200 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.