Cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55: Nhiều nhưng chưa đủ

10:05, 08/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước những bất cập của Nghị định 41 về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn (NNNT), Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 để thay thế, bổ sung việc không có tài sản thế chấp vẫn được vay vốn. Tuy nhiên, do bất cập trong xác định tài sản thế chấp, nên đến nay vẫn còn nhiều trường hợp không vay được.

Còn bó buộc người vay

Anh Nguyễn Hoài, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) cho biết: "Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách cho NNNT, nhất là đầu tư phát triển kinh tế vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, bản thân tôi đã nhiều lần đến hỏi vay ở Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) nhưng vẫn không được. Nếu có vay được thì cũng chỉ vài chục triệu đến trăm triệu. Trong khi đó, muốn làm một trang trại nuôi heo hiện đại bằng công nghệ lạnh, vốn đầu tư không phải là nhỏ".

Không thể vay theo Nghị định 55, anh Hoài đành cầm sổ đỏ đi vay ở các ngân hàng thương mại khác. “Tuy lãi suất cao hơn và phải đáo hạn sau 6 tháng, nhưng mình vẫn chấp nhận vì có thể vay được số tiền lớn để đầu tư phát triển sản xuất. Hơn nữa, chỉ cần mình biết cách làm ăn thì việc trả nợ cũng không có vấn đề gì”, anh Hoài chia sẻ.

Nhiều chủ trang trại không tiếp cận được với nguồn vốn theo Nghị định 55.
Nhiều chủ trang trại không tiếp cận được với nguồn vốn theo Nghị định 55.


Cùng chung nhận định như anh Hoài, ông Phạm Văn Trinh, xã Bình Chương cho biết: “Trang trại của tôi đã được cấp giấy chứng nhận trang trại theo đúng tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT, nhưng lâu nay vẫn không vay được vốn theo các chính sách của Nhà nước. Việc thẩm định tài sản của ngân hàng cũng luôn dựa trên tiêu chí là giá trị thực của mảnh đất mà mình đang canh tác, còn tài sản gắn trên đất thì không được tính”.

Thế nên, dù tài sản đầu tư vào trang trại của ông Trinh lên đến vài tỷ đồng, nhưng để vay vốn không hề đơn giản. Nếu không có tài sản thế chấp, muốn vay tín chấp tối đa cũng chỉ được giải ngân 100 triệu đồng, dù theo quy định của Nghị định 55 là 1 tỷ đồng đối với trang trại. “Nếu tôi là ngân hàng thì cũng phải tính tới vấn đề an toàn nguồn vốn, không thể cho nông dân vay tiền tỷ mà không có thế chấp gì, bởi sản xuất nông nghiệp được coi là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, cũng không thể bó hẹp người vay quá mức”- ông Trinh chia sẻ.
 

Tính đến 31.3, dư nợ cho vay của Agribank Quảng Ngãi gần 5.600 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, có 4.585 tỷ đồng cho vay khu vực NNNT (chiếm 83%). Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều trường hợp nông dân vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ.

Bất cập nằm ở “sổ đỏ”

Theo quy định của Nghị định 55 của Chính phủ, những cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng  từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, bên vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp sổ đỏ cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: "Sổ đỏ nộp cho ngân hàng chỉ là một vật chứng thể hiện niềm tin quan hệ tín dụng. Bởi lẽ, ngân hàng không  thực hiện các thủ tục thế chấp tài sản. Ngân hàng giữ sổ đỏ là để tránh tình trạng khách hàng lợi dụng chính sách cho vay tín chấp. Ví dụ, hộ nông dân đã vay tín chấp tại ngân hàng A, nhưng dùng sổ đỏ làm tài sản thế chấp tiếp tục vay tiền ngân hàng B với nhiều mục đích khác nhau, làm phân tán nguồn lực, dẫn đến mất khả năng trả nợ”.

 Theo lý giải của ngân hàng và theo quy định của Nghị định 55 là hợp lý. Song thực tế hiện nay có rất nhiều hộ nông dân muốn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng không vay được vốn vì không có “sổ đỏ”. Trường hợp này rơi vào các hộ nằm ở vùng bãi ngang ven biển là rất nhiều. Anh Tiêu Viết Hùng ở xã Bình Hải (Bình Sơn) cho biết: “Người dân ở đây rất cần nguồn vốn để mua thêm ngư lưới cụ phát triển kinh tế. Thế nhưng, đến ngân hàng vay tiền thì chỗ  nào cũng hỏi sổ đỏ. Trong khi đó, diện tích đất ở đây có hạn. Có gia đình ba anh em ở chung trong một mái nhà thì chỉ có một người đứng tên được vay, còn những người khác thì đành chịu. Như vậy quy định vay không thế chấp có cũng không thể áp dụng được”.

Theo ông Nguyễn Thiên Phiến,  đầu tư cho lĩnh vực NNNT hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, ông Phiến cũng thừa nhận, sau 5 năm triển khai Nghị định 41 và hiện tại là Nghị định 55 cho vay khu vực NNNT, việc cho vay tín chấp vẫn còn hạn chế, vướng mắc chính là hầu hết các hộ sản xuất, kinh doanh chưa được cấp sổ đỏ và chưa chứng minh được phương án kinh doanh, nên mức độ cho vay vẫn phải ở mức cho phép để bảo toàn nguồn vốn.


Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.