Tổ hợp tác trồng hoa - ươm mầm: Mô hình đạt hiệu quả

09:04, 27/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Liên tục trong những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Các mô hình, tổ hợp tác được hình thành và nhân rộng đã mang lại hiệu quả, giải quyết được việc làm cho hội viên phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tổ hợp tác trồng hoa - ươm mầm ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) là một trong những mô hình như thế.

Nghĩa Hà là một xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân ở đây (chủ yếu là phụ nữ) còn có nghề trồng hoa. Tuy nhiên, đối với các hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, việc trồng hoa, ươm cây chỉ mang tính cầm chừng, phụ thuộc vào thời vụ, thiếu tính ổn định nên hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do các chị không có vốn thường xuyên để mua cây giống,  vật liệu.

Mô hình Tổ hợp tác trồng hoa ươm mầm ở Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) đã đem lại hiệu quả.
Mô hình Tổ hợp tác trồng hoa ươm mầm ở Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) đã đem lại hiệu quả.

Trước thực trạng đó, năm 2015, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho 25 chị thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở xã Nghĩa Hà thực hiện mô hình Tổ hợp tác trồng hoa - ươm mầm. Đây là mô hình được hình thành trên cơ sở nghề truyền thống của địa phương. Các thành viên được trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi để có thêm kiến thức về nhiều lĩnh vực trong đời sống, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biết cách quản lý nguồn vốn, tính toán làm ăn... góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Triển khai mô hình này, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 150 triệu đồng mua trang thiết bị, mời kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật canh tác. Qua đó, các hộ tự sản xuất giống để trồng và bán, khắc phục được việc lệ thuộc nguồn giống nhập từ nơi khác. Ưu thế của mô hình là chủ động trồng hoa theo ý muốn, điều chỉnh lịch thời vụ để tránh thời tiết không thuận lợi, bảo đảm được hiệu quả kinh tế.

Trên diện tích 1.000m2, Tổ hợp tác đã thực hiện được 3 đợt trồng- thu hoạch hoa và 1 đợt ươm mầm theo phương pháp kỹ thuật mới. Chủng loại hoa ươm mầm đa dạng, như: Cúc tai chuột, pha lê, cúc thạch bích... Chị Phạm Thị Sinh - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa - ươm mầm xã Nghĩa Hà chia sẻ: “Ưu điểm của mô hình này là các thành viên trong tổ có thể thỏa thuận, thu xếp công việc đồng áng, tận dụng thời gian rảnh rỗi để tham gia trồng và chăm sóc hoa. Ngoài hoạt động trong tổ, chị em cũng tích cực tương trợ, giúp đỡ nhau để cùng phát triển...”.

Thu nhập từ mô hình này không cao so với nhiều mô hình khác, song nó cũng giúp chị em có “đồng ra đồng vào” để lo cho cuộc sống gia đình. Đến nay, nhiều hội viên phụ nữ tham gia tổ hợp tác đã cải thiện được kinh tế gia đình, một số hộ vươn lên thoát nghèo. Chị Lê Thị Bé, ở thôn Bình Đông, là một trong 2 hộ phụ nữ tham gia tổ hợp tác đã thoát nghèo, chia sẻ: Con đông lại không có nhiều đất sản xuất nên cái nghèo cứ luôn đeo bám. Từ ngày tham gia mô hình tôi đã có thêm việc làm, có thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Hiện tại các chị đã nắm được những kinh nghiệm trong việc trồng hoa ươm mầm. Tuy nhiên,  với số lượng 25 chị em nhưng chỉ có diện tích trồng trọt 1.000m2 nên hiệu quả bình quân trên đầu người không cao. Do đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn xã, để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.