Niêm yết giá ở các chợ: Tiểu thương phớt lờ

05:04, 25/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm góp phần kiểm soát và kiềm chế tăng giá tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay việc niêm yết giá tại các chợ bị nhiều tiểu thương phớt lờ, tự định đoạt giá theo nhu cầu thị trường, khiến người tiêu dùng không tránh khỏi tâm lý dè chừng, mặc cả, nếu không muốn bị “hớ” khi mua hàng.

TIN LIÊN QUAN

Tiểu thương tự định giá bán

Tại một cửa hàng bán vải ở chợ tạm Quảng Ngãi, nhiều người đến mua hàng phải hỏi giá vì không có bảng niêm yết giá. Và mặc nhiên, chủ cửa hàng sẽ hô giá cao hơn giá trị thật của mặt hàng mình đang bán. Nhiều khách hàng thân quen dễ thỏa thuận giá. Tuy nhiên, nhiều khách vãng lai tỏ ra hoài nghi về giá thật của mặt hàng nên khá e dè. Khi được hỏi, vì sao cửa hàng không niêm yết giá theo quy định, chủ tiệm vải bảo, từ trước đến giờ vẫn bán như vậy và giải thích rằng, giá cả luôn biến động nên việc niêm yết giá rất khó khăn. Việc không thực hiện niêm yết giá cũng chưa từng bị cơ quan chức năng nào xử phạt.

Khách hàng phải trả giá, vì không có giá niêm yết trên sản phẩm.
Khách hàng phải trả giá, vì không có giá niêm yết trên sản phẩm.


Không chỉ nơi bán vải mà rất nhiều nơi bán các mặt hàng khác như quần áo, ba lô, giày dép... ở chợ tạm Quảng Ngãi, chợ Sông Vệ (Tư Nghĩa)... tiểu thương không thực hiện việc niêm yết giá. Tại một cửa hàng bán ba lô, mũ nón... chỉ có một vài sản phẩm có niêm yết giá, còn lại đa số thì không. Chủ cửa hàng cho biết, chỉ những mặt hàng có thương hiệu mới in giá. Còn những sản phẩm như hàng nhái, hàng lỗi kỹ thuật, hàng gia công thì không in giá lên sản phẩm. Có niêm yết giá cũng như không, vì khách hàng vẫn hoài nghi giá mình niêm yết và luôn mặc cả như một thói quen.

Khó khăn trong việc xử phạt

Với cách buôn bán mà giá cả do người kinh doanh tự định đoạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng “té nước theo mưa” khi thị trường biến động. Có thời điểm giá xăng dầu tăng, các loại mặt hàng ở chợ mặc dù không bị tác động trực tiếp từ xăng dầu, hoặc các mặt hàng như quần áo, giày dép... đã được cửa hàng nhập hàng về từ trước đó vẫn mặc nhiên tăng giá bán theo tâm lý đám đông. Và khi người kinh doanh “cầm trịch” về giá cả như vậy, thì người tiêu dùng phải chịu thiệt. Vì lẽ đó, siêu thị hay các cửa hàng kinh doanh có thương hiệu nổi tiếng ngày càng được nhiều người lui tới để mua hàng.

Ngày 24.9.2013, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn, trong đó có quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết giá hàng hoá, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Võ Minh Tâm- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Đơn vị cũng chỉ xử lý đối với những mặt hàng bình ổn giá không được người kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo quy định, nhưng mức xử phạt cũng chỉ vài trăm ngàn đồng, nên vẫn chưa mang tính răn đe. Còn những mặt hàng nằm “ngoài luồng” bình ổn, thì đơn vị cũng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở niêm yết giá theo quy định chứ ít khi xử phạt những trường hợp này. Văn hóa buôn bán xưa nay vẫn theo kiểu “thuận mua thì vừa bán”.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.